Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) cùng nhiều đại biểu đề nghị bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.
Lý do, qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.
Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tình tiết rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.
Đại biểu đoàn Tuyên Quang viện dẫn, trước đây, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành nghị quyết, đưa một số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm, trong đó có dao phay, các loại dao sắc, nhọn để làm tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung hình phạt.
Cũng theo đại biểu, thực tế hiện nay, hiện tượng thanh, thiếu niên tự hoán cải/tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào dự thảo luật việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp.
Cần được phân định rõ
Tại phiên thảo luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nhấn mạnh, phạm vi phân loại vũ khí quân dụng là điểm mới rất lớn của luật. Cụ thể, có mở rộng phạm vi với trường hợp dao có tính sát thương cao?
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, về thực tiễn, cần biện pháp mạnh để răn đe, trừng trị đối tượng dùng dao sát thương cao trong vụ án hình sự, nhưng cần làm rõ, lấy ý kiến thẩm định.
"Báo cáo của cơ quan soạn thảo lập luận chưa rõ. Chúng ta không đi vào bản chất, tính năng vũ khí mà căn cứ vào mục đích của đối tượng thực hiện hành vi thì rất khó trong thực tiễn", ông Đồng Ngọc Ba nói.
Theo đại biểu đoàn Bình Định, cần quan tâm, nếu đi theo hướng này cần biện pháp có tính khả thi để lực lượng chức năng không làm oan sai người chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.
Điểm mới khác, theo ông Đồng Ngọc Ba, linh kiện chế tạo vũ khí quân dụng cũng là vũ khí quân dụng. Đây là cái mới nhưng xét góc độ quản lý về linh kiện, theo luật này, đại biểu đoàn Bình Định đồng tình, nhưng xử lý hình sự, đối chiếu quy định về linh kiện thì sẽ có vấn đề.
"Đã là vận chuyển, tàng trữ thì dù là 1 viên đạn cũng là hình sự, cái này nhiều chuyên gia cho rằng không hợp lý và không phù hợp khái niệm tội phạm. Linh kiện chế tạo vũ khí cũng là vũ khí thì bây giờ, bộ phận cấu thành của viên đạn, thuốc nổ, vỏ đạn, đầu đạn có phải là bộ phận cơ bản không? Nó có phải vũ khí quân dụng không? Trường hợp người ta phục vụ sản xuất thì là vũ khí quân dụng hay chỉ là linh kiện?", đại biểu Đồng Ngọc Ba nói.
Đại biểu đoàn Bình Định đề nghị cần phân định rõ, vì ở đây có sự chồng lấn giữa linh kiện chế tạo vũ khí quân dụng với vật liệu nổ, trong trường hợp linh kiện đó để chế tạo vật liệu nổ. Thực tiễn có thể vướng, dẫn đến nhầm lẫn, oan sai.