Đại biểu quốc hội: Lá phiếu không phải món quà tặng

TP - Trao đổi với Tiền Phong, Phó trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, dùng lá phiếu như một món quà tặng thì sẽ rất tai hại.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Bình Phước (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: IT

Sau Quốc hội, các tỉnh, thành phố đã và đang lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về việc thực hiện chủ trương này ở các địa phương?

Qua theo dõi việc lấy phiếu tín nhiệm ở một số địa phương, tôi thấy việc này rất được cử tri và nhân dân quan tâm. Tuy nhiên nhìn vào kết quả có thể thấy, ngoài một số lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm cao, sát với sự cống hiến cũng như năng lực, phẩm chất của họ, thì vẫn còn những trường hợp không được phản ánh đúng mức. Thậm chí có những trường hợp người ta đoán phải có số phiếu rất thấp. Thế nhưng thực tế họ lại có số phiếu rất cao.

Từ đó khiến dư luận thiếu  tin tưởng vào tính chân thực, sự tin cậy của việc lấy phiếu ở địa phương. Và người ta cho rằng, ở đâu đó vẫn còn bệnh hình thức trong lấy phiếu tín nhiệm. Thông tin đó người dân phản ánh không biết đúng sai thế nào. Thế nhưng từ sự phản ánh đó, chúng ta phải xem xét, kiểm điểm, đánh giá lại một cách nghiêm túc.

Khác hoàn toàn với Quốc hội, việc lấy phiếu phản ánh rất phù hợp tình hình chung. Còn ở HĐND, trước nay người ta đã có những nghi ngờ về chất lượng hoạt động, giờ lại tiếp tục nghi ngờ về tính chân thực, trách nhiệm của một số đại biểu khi tham gia vào việc lấy phiếu các lãnh đạo chủ chốt. Cá nhân tôi cũng rất suy nghĩ về kết quả lấy phiếu được công bố trên báo chí ở một số địa phương vừa qua. 

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Ông vừa cho rằng, cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá lại sau khi đã thực hiện xong việc lấy phiếu. Vậy việc này sẽ phải thực hiện như thế nào?

Trước tiên tự bản thân mỗi HĐND, rồi bản thân mỗi đại biểu cũng phải đánh giá, kiểm điểm. Rồi ngay cấp ủy địa phương, thậm chí ở trung ương cũng phải đánh giá về việc này. Tất cả cùng thực hiện để xem có khớp với nhau không. Nếu thấy nghi ngờ, ở đâu đó có thể xảy ra vấn đề nọ, vấn đề kia, thì cũng có thể cân nhắc, phúc tra lại số phiếu đó xem có đúng không.

Khi đi công tác ở một địa phương, tôi có ngồi với một số cử tri, trong đó có cả những cử tri lão thành đáng kính, người ta bảo họ không tin với kết quả phiếu của một số trường hợp.

Không biết mức độ đến đâu, nhưng thực tế người dân đánh giá không cao, còn nghi ngờ về kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Người ta háo hức chờ đợi, hi vọng bao nhiêu thì sau khi công bố kết quả, người ta lại thấy thất vọng bấy nhiêu. Ngồi uống nước với các bác cử tri, họ nói với tôi, không hiểu sao lại có được số phiếu cao đến thế.

Thời gian qua, TPHCM nóng về vấn đề Thủ Thiêm, Đà Nẵng nóng về câu chuyện đất đai, Vũ “nhôm”… Nhiều trường hợp, tưởng rằng chuyện bỏ phiếu sẽ dậy sóng, nhưng kết quả lại rất yên bình. Đặc biệt có những địa phương như Bình Phước, rất nhiều cán bộ chủ chốt ở HĐND rồi cả UBND đều không có bất cứ một phiếu tín nhiệm thấp nào. Câu hỏi đặt ra, liệu có sự xuê xoa, nể nang, hay gì gì đó ở các địa phương không?

Như tôi vừa nói, người dân đã có những nghi ngờ đại biểu ở địa phương làm không hết trách nhiệm, còn xuê xoa, nể nang nhau. Việc này vốn dĩ đã tồn tại lâu nay ở địa phương rồi. Thế nhưng bên cạnh đó còn có chuyện, người ta nghi ngờ có thể những người này đều trong cùng một nhóm lợi ích, dẫn đến kết quả như vậy. Thứ nữa, cũng có thể người ta coi lá phiếu như một món quà tặng để báo ơn.

Như vậy nghĩa là người đại biểu ấy không thể hiện hết trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao. Có anh còn thoát ly hẳn trách nhiệm này, và sử dụng quyền bỏ phiếu, biến lá phiếu thành quyền cá nhân, phục vụ cho lợi ích cá nhân. Người ta gọi là tư hữu hóa quyền, trách nhiệm của mình để biến nó thành một thứ tiêu dùng cá nhân, chứ không phải cái để thực hiện trách nhiệm.

Việc đưa ra lá phiếu không phản ánh đúng thực chất, không đánh giá đúng phẩm chất năng lực của người được lấy phiếu có thể gây ra những hệ quả gì, thưa ông?

Từ việc sai lệch thông tin này dẫn đến chỗ khi Đảng, Nhà nước nắm thông tin để xử lý cán bộ ở bước tiếp theo sẽ rất tai hại. Người ta sẽ thanh minh, kết quả phiếu cao như thế, tín nhiệm cao như thế đấy, còn thực tế xã hội phản ánh, báo chí phản ánh về chúng tôi chỉ là bâng quơ thôi, chẳng có giá trị gì cả.

Vậy theo ông tới đây có nên xem xét, điều chỉnh để làm sao lá phiếu tín nhiệm thực chất hơn?

Việc sửa hay không, sửa thế nào thì trước hết cũng phải có nghiên cứu đã. Điều quan trọng làm thế nào để liên kết được các đánh giá khác, các nguồn đánh giá khác đối với một cán bộ. Như vậy thì phải có quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.