Chiều 10/11, thảo luận về dự thảo luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị giao Chính phủ quy định các loại tài sản công phải công khai. Ví dụ đối với xe công sẽ dán nhãn có thông tin tên cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay riêng, thời gian sử dụng xe…
Theo ĐB Cảnh, quy định như vậy để chúng ta đánh giá lại việc sử dụng xe công còn lãng phí do sử dụng không đúng tiêu chuẩn hay do đúng tiêu chuẩn mà không đúng mục đích? Để từ đó quyết định nên điều chỉnh tiêu chuẩn sử dụng xe công trước hay điều chỉnh mục đích sử dụng xe trước.
Cũng theo ông Cảnh, có một “tài nguyên” chúng ta có thể khai thác được ngay, đó là biển số xe và số điện thoại. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính đã nói biển số xe có thể coi là tài sản công, nếu biết khai thác, quản lý tốt đem đấu giá góp phần tăng thu ngân sách là tốt, nhưng để cụ thể hoá vào luật thì phải tính thêm.
“Trong khi ngân sách đang khó khăn, cần vận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển xã hội, có nhiều ý kiến đề nghị huy động vốn trong dân nhưng chưa có nhiều đề xuất khả thi. Theo tôi thực hiện đấu giá và cấp số xe, số điện thoại theo yêu cầu là tốt vì đây là nhu cầu có thực của dân, số tiền thu được sẽ không nhỏ, Nhà nước không phải trả lãi hay vốn”, ông Cảnh nêu.
Qua tìm hiểu các quy định của pháp luật, ông Cảnh cho hay, thông tin về đấu giá số xe, số điện thoại ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho số xe, số điện thoại có thể lên tới cả triệu tỷ đồng.
“Nếu được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 khi Luật có hiệu lực thì có thể thu tới 100 nghìn tỷ đồng, tuỳ thuộc vào việc mở kho số của các Bộ, ngành, hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân trong từng thời kỳ”, ông Cảnh nói.
Trên cơ sở đó, ĐB đoàn Bình Định đề nghị khoản 5, Điều 4 bổ sung 1 nội dung viết là: “Kho số được cơ quan Nhà nước dùng để quản lý phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu của tổ chức cá nhân để khẳng định số xe, số điện thoại và các số tương tự phát sinh sau này là tài sản công”.
Để tăng tính hiệu quả, khả thi, nếu nội dung này được Quốc hội thông qua, ông Cảnh đề nghị Chính phủ quy định người có số đẹp thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng số đó cho phương tiện, thiết bị mới, không nhất thiết phải đấu giá lại với các số được đấu giá hợp pháp trước ngày luật này có hiệu lực. Chính phủ cũng sẽ hướng dẫn số tiền thu được từ biển số xe để lại cho địa phương cấp biển số sử dụng.
Năm 2009, Chính phủ có công văn giao Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc bán đấu giá quyền sử dụng biển số nhưng đến nay chưa thực hiện, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân do chưa có luật này quy định việc đấu giá sử dụng biển số xe, nếu lần này luật không quy định cụ thể thì việc tạo nguồn thu cho ngân sách từ con số này rất khó thực hiện.
ĐB Cảnh dẫn dụ, năm 2008, Nghệ An thực hiện thí điểm việc đấu giá một biển số xe tứ quý 9 với giá 700 triệu đồng, tương đương với xây 17 căn nhà cho người có công với cách mạng.
Tháng 10 vừa qua, một số điện thoại sáu số 8 của Viettel đã bán đấu giá được 1,6 tỷ đồng, tương đương với chi phí phẫu thuật cho hơn 40 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh… Dự tính số xe ô tô bán trong năm 2016 là khoảng 300 nghìn chiếc, tăng trưởng thị trường ô tô 2012-2016 là trên 30%, nếu chỉ tính giai đoạn 2017-2020 là 25% thì trong 3 năm 2018-2020 chúng ta có thêm 1,8 triệu xe ô tô.
Nếu bình quân biển số đẹp đấu giá biển số cấp theo yêu cầu là 25 triệu đồng/biển số thì 3 năm 2018-2020 chúng ta có thể thu cho ngân sách 45 nghìn tỷ đồng. Với lượng xe máy bán ra là hơn 2,8 triệu trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng 8% thì chúng ta có thể thu tiền từ biển số xe máy có thể lớn hơn thu được từ ô tô.