Đại biểu Quốc hội bàn cách chặn xâm hại trẻ em

TP - “Hình thức thiến hóa học ở các nước đã được thực hiện. Nếu pháp luật Việt Nam đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất phải giảm được 50% vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong tương lai”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề xuất ngày 27/5 khi Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. 
ĐBQH Lê Quốc Phong (Bình Thuận) mong muốn Quốc hội, ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành xem việc tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói trẻ em là trách nhiệm của mình. Ảnh: Nhật Minh

Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), gần đây, tình trạng bạo lực đối với trẻ em gia tăng đến mức báo động, như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt; vụ cháu bé ở Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy xương sườn, rạn sọ não; vụ bé trai 1 tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)…

Nghiêm trọng hơn nữa, vụ cháu bé ở Bình Phước thường xuyên bị nhân tình của mẹ chửi bới và đánh đập. Hậu quả là cháu bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. “Cái chết của cháu đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em. Đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”, bà Hoa nói.

Bà Hoa đề nghị, ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý, cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em để tạo sự răn đe. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Nhưng quan trọng hơn cả là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, xây dựng chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em phải như xây một ngôi nhà an toàn bảo vệ trẻ. Do đó, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng, đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ.

 “Rất nhiều tỉnh, thành đã tiến hành sáp nhập các nhà thiếu nhi vào các trung tâm văn hóa hoặc giải thể trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống này. Tôi nghĩ rằng, với nhà thiếu nhi, chúng ta cần phải ứng xử với nó như một thiết chế hết sức đặc biệt. Bởi đây là môi trường, điều kiện giúp trẻ em có một không gian sinh hoạt lành mạnh”,  ĐBQH Lê Quốc Phong.


Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), khi tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em, ai cũng rùng mình căm ghét, ám ảnh và mong muốn phải xử lý nghiêm khắc đối tượng này. Ông Phương đề nghị bổ sung các hình phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, đồng thời công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị, trong quá trình rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần quan tâm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm pháp luật các nước đã và đang thực hiện, tức là ứng dụng khoa học-công nghệ như ĐB Phương đề cập. “Biện pháp đó vừa nhẹ nhàng vừa hiệu quả, cần bổ sung vào hình phạt đối với kẻ biến thái, thích xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em”, bà Khánh nói.

Chặn dụ dỗ trên mạng

ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề nghị Chính phủ xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Bộ GD&ĐT cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm phù hợp với độ tuổi.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói rằng, thủ đoạn mà dâm tặc thường dùng là lập phòng chat ảo tìm kiếm trẻ em, thả tin nhắn làm quen, chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới, tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng.

Bước tiếp theo là dụ dỗ trẻ phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng, chụp ảnh, quay phim… rồi sau đó ép trẻ quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng.

Bà Thủy cho rằng, phụ huynh cần hướng dẫn con em sử dụng mạng an toàn, trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội. Bộ Công an cần thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện từ sớm.

Liên quan việc xây dựng thiết chế văn hóa cho trẻ em, ĐB Lê Quốc Phong (Bình Thuận) tán thành quan điểm của nhiều đại biểu rằng, cần quan tâm tăng cường các điều kiện lành mạnh để giúp trẻ em có môi trường thuận lợi phát triển. Đây cũng là kênh để giúp các em có điều kiện được trang bị các kỹ năng cần thiết, trong đó hệ thống nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi là một thiết chế hết sức quan trọng.

Vấn đề thứ hai là thực hiện trách nhiệm tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. “Bản thân chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động và cố gắng hình thành nhiều mô hình, phương thức để lắng nghe tiếng nói trẻ em, tạo cầu nối với đại biểu QH, HĐND các cấp. Các mô hình về Hội đồng trẻ em cũng được nhiều địa phương triển khai.

Tuy nhiên, tôi rất mong muốn Quốc hội, ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành xem việc tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói trẻ em là một trách nhiệm của mình. Điều này trong Luật Trẻ em đã có quy định, tuy nhiên, cơ chế này không được thực hiện thường xuyên và liên tục”, ông Phong nói.