Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp: Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ thủy điện nhỏ đúng không?

TPO - "Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì”, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói.

 Rừng quan trọng hơn cả trời

Chiều 6/11, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà xoay quanh vấn đề thủy điện: Bộ trưởng nói bão lũ, sạt lở miền Trung những ngày qua do trời mưa, địa chất bị đứt gãy… Nghĩa là thời gian tới, Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp chất vấn ngày 6/11. Ảnh QH

“Ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?", đại biểu H’Bơ Khăp nêu chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, khi trả lời, ông không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân. “Tôi nói rằng con người là nguyên nhân”, ông Hà nhấn mạnh và cho biết, khi quyết định làm thủy điện thân thiện với môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác như Na Uy, rất nhiều thủy điện, họ dựa trên thế năng tự nhiên.

Rừng quan trọng hơn cả trời

“Nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện và chúng ta chấp nhận bỏ rừng thì khi đó là nguyên nhân con người", ông Hà lý giải.

“Đại biểu nói với tôi, rừng quan trọng như thế nào? Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời”, theo ông Hà, chúng ta thở không khí từ oxy, rừng cung cấp 70% các tài nguyên cung cấp cho cuộc sống của con người. Rừng là hết sức thiêng liêng.

“Mất rừng không có nghĩa là cứ nghĩ đến thủy điện", ông Hà lý giải, mất rừng do tư duy sai trái, trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. “Mất rừng chính là người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường”, ông nói.

"Chúng ta phải hiểu là mất rừng còn nhiều nguyên nhân khác. Với tư cách người làm môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ NN&PTNT xem xét, cùng Quốc hội rà soát từng mét vuông đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.

Sắp tới với rừng phòng hộ đặc dụng, nếu nơi nào không còn rừng nhưng có chức năng bảo vệ, phòng hộ con người, chúng ta phải phục hồi lại rừng, mà phải phục hồi rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên", bộ trường Hà nói và mong muốn nữ đại biểu “nghe lại băng” ông trả lời để hiểu nhau hơn.

'Bộ trưởng có nghe mà không hiểu'

Tranh luận lại sau đó, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp rất cảm ơn vì Bộ trưởng đã khẳng định cây rừng tự nhiên là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề trong bảo vệ môi trường.

"Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi, Bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi Bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không? Câu hỏi có hoặc không chứ không có nhưng", nữ đại biểu nêu.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cũng cho rằng, trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá vấn đề môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng là có sai sót nên mới gây ra hậu quả như ngày hôm nay.

"Với tư cách chuyên gia, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Câu này Bộ trưởng cũng chưa trả lời", đại biểu nêu.

"Bộ trưởng chỉ tập trung vào rừng vì có lẽ mọi người nhìn thấy tên tôi đã nghĩ tới rừng rồi, nhưng mà thực tế không phải như thế, dù rằng có như thế", đại biểu Ksor H’Bơ Khăp bày tỏ

Trước phần tranh luận này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cười tươi, tay cầm mic với mong muốn được giải trình ý kiến của nữ đại biểu đoàn Gia Lai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi kỹ lại để đại biểu nắm rõ thông tin, dành thời gian cho các đại biểu chất vấn những vấn đề khác.