Chỉ đáp ứng được 1/5
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có hơn 700 doanh nghiệp (DN) CNTT và truyền thông, gần 250 DN phần mềm. Riêng DN phần mềm tăng trưởng từ 25- 35%, do vậy nhu cầu tuyển dụng rất lớn.
Theo Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, khoảng 5 năm trở lại đây, các DN về CNTT trong và ngoài nước liên tục đầu tư vào Đà Nẵng, nhất là Nhật Bản. Mỗi năm các DN này có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn nhân lực nhưng đa số phải “hút” từ các tỉnh thành khác về vì Đà Nẵng không đủ đáp ứng. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho hay: “Trong năm 2016, tính đến tháng 9, FPT đã tuyển gần 500 người. Đà Nẵng chỉ cung ứng được gần 100 người. Trong đó một nửa là “tân binh”, một nửa là nhân lực đã có kinh nghiệm”.
Theo Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, việc thiếu hụt nguồn lực CNTT tiếp tục kéo dài sẽ khiến các DN, đặc biệt DN nước ngoài “chùn chân” khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng. Từ đó mất đi cơ hội giải quyết vấn đề việc làm cũng như phát triển ngành công nghiệp chủ lực trong tương lai này.
Tình trạng khan hiếm nhân lực này đã diễn ra nhiều năm nên FPT không thể trông cậy vào Đà Nẵng, mà phải lấn sang các tỉnh thành khác để kéo người về. Ông Phương nói thêm: Các trường CĐ, ĐH ở Đà Nẵng hiện tuyển sinh quá ít, trường đào tạo nhiều mỗi năm cũng chỉ 300 em, trong khi nhu cầu tuyển dụng các DN ở con số hàng ngàn. Do vậy xảy ra tình trạng “muối bỏ bể” cũng là chuyện dễ hiểu.
Trong khi đó, ông Thanh cho rằng việc thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực giỏi không chỉ nằm ở vấn đề tuyển sinh mà còn do khả năng đào tạo ở các trường chưa tốt. Ngoài kiến thức nền ra thì sinh viên thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ… Dù số lượng sinh viên ra trường mỗi đợt đi dự tuyển đông nhưng khó chọn được người có năng lực phù hợp với yêu cầu của DN.
Đại diện một DN phần mềm trên địa bàn cho hay, dù Đà Nẵng có trên 20 cơ sở đào tạo nhân lực CNTT, nhưng đơn vị này chỉ nhắm vào trường ĐH Bách khoa do đào tạo tốt, sinh viên “đủ chất lượng”, hội tụ các kỹ năng mà DN cần. Chỉ khi ĐH Bách khoa không còn khả năng cung ứng, đơn vị này mới nhắm tới các cơ sở còn lại.
Không thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Để giải quyết tình trạng khan hiếm này, các DN đã tung nhiều chiêu lôi kéo nhân lực về đơn vị mình như liên kết đào tạo, cho sinh viên kiến tập, thực tập, cam kết hỗ trợ việc làm, thậm chí “đặt hàng” ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT vào đầu tháng 10, Sở TT&TT Đà Nẵng đã mạnh dạn đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD& ĐT cải tiến chương trình khung đào tạo chuyên ngành CNTT tại các trường ĐH, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Đồng thời có điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT tại các ĐH, CĐ trên địa bàn.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Khoa CNTT trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho hay, CNTT là một trong những ngành mà sinh viên dễ có việc làm nhất. 50% sinh viên có việc làm khi học năm thứ 5, 80% có việc làm sau ra trường 3 tháng và hầu hết tìm được công việc ổn định sau khi ra trường một năm.
“Dù biết ngành có nhiều ưu điểm và thành phố cũng đã hai lần gởi công văn đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng nhà trường không thể. Bởi mỗi năm ĐH Bách khoa chỉ được tuyển khoảng 3.000 chỉ tiêu, trong đó ngành CNTT lên gần 300 sinh viên, con số vốn đã cao so với các ngành còn lại. Do đó không thể tăng đột biến lên tạo sự chênh lệch giữa các ngành. Ngoài ra, trường cũng không đáp ứng đủ đội ngũ nhân lực để đào tạo”.