Ông Quảng cho biết: thống kê sơ bộ, ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) còn khoảng 100 thuyền viên, còn ở Đồng Nò (quận Ngũ Hành Sơn) còn hơn 30 người không chịu lên bờ. Ông Quảng trực tiếp đi kiểm tra nhưng người dân chất vấn ngược lại là nếu họ lên bờ, tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm.
Theo ông Quảng, việc người dân lo ngại, bảo vệ tài sản là trở ngại với việc di dân đi khỏi các tàu vào lúc này. Thậm chí có trường hợp đưa lên bờ rồi họ lại lẻn xuống tàu lại.
“Đến 19h, toàn bộ 34 người ở Đồng Nò đã được cưỡng chế lên trên bờ, bố trí chỗ ở, quần áo, chăn mền, thức ăn cho họ”, ông Quảng cho biết.
Theo Bí thư Đà Nẵng, hiện còn hơn 90 người ở âu thuyền Thọ Quang vẫn còn ở dưới tàu. Cơ quan chức năng đồng ý cho họ bơm nước cạn tàu trước khi cưỡng chế lên bờ. Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải làm việc, lập biên bản với các chủ tàu về việc để người ở lại trên tàu.
“Nếu có tai nạn, sự cố xảy ra chết người thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự. Lực lượng biên phòng cũng được giao lập biên bản và cưỡng chế tất cả người dân lên bờ”, ông Quảng thông tin.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết: Hiện nay vấn đề khó khăn của thành phố là thời điểm bão đổ bộ, dự kiến khoảng 22h đêm nay, thì đúng vào thời điểm triều cường. Trong khi mực nước ở sông Hàn đã mấp mé bờ.
Dự báo có nguy cơ rất cao là gió to, sóng lớn, cùng với triều cường những khu vực ven biển Đà Nẵng có nguy cơ bị sóng đánh vào, gây nguy hiểm lớn. Do đó, sau đi khảo sát, Đà Nẵng đã quyết định di dân thêm một vệt ven sông, biển, đẩy sâu vào bên trong. Đồng thời, thành phố đã đề nghị Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trong và sau bão.