Đa dạng, hài hòa hình thức, nội dung báo chí để phục vụ bạn đọc

TPO - Tham luận tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 24/12, lãnh đạo báo Tiền Phong đã trao đổi, làm rõ mối liên quan giữa việc đảm bảo hài hòa giữa mảng nội dung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị với mảng thông tin đời sống dân sinh, hữu ích đáp ứng thị hiếu của đông đảo bạn đọc, từ thực tế cách làm của báo.

Đổi mới hình thức, nội dung phục vụ bạn đọc

Nhà báo Phùng Công Sưởng trao đổi một số giải pháp báo chí được báo Tiền Phong thực hiện thời gian qua. Ảnh: Ngô Tùng

Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhìn nhận, với chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, báo chí ngoài chạy đua thông tin còn phải đảm bảo hài hòa cân bằng thông tin mang tính giáo dục, định hướng chính trị, tư tưởng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của đất nước. Ở đó, các cơ quan báo chí nếu không giữ được sự cân bằng, hài hòa, nặng “chạy” theo thời sự, sự vụ, thông tin giản đơn mà “nhẹ” thông tin giáo dục, định hướng thì phần nào đã và đang nhường “trận địa” cho các thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

“Ngược lại, nếu đặt nặng thông tin về giáo dục, định hướng, bỏ qua các dòng chảy thông tin mang tính thời sự, dân sinh, mà công chúng quan tâm, hoặc cách thể hiện cứng nhắc thì lại khó tạo ra sự hấp dẫn bạn đọc. Đây chính là thách thức, đòi hỏi sự chung tay từ phía các cơ quan quản lý, cũng như sự đổi mới, sáng tạo của mỗi cơ quan báo chí nói chung, trong đó có báo Tiền Phong”, nhà báo Phùng Công Sưởng bày tỏ và khẳng định phương châm tuyên truyền được Ban Biên tập báo quán triệt đến các phóng viên, biên tập viên là làm sao thông tin “đúng”, “trúng”, hấp dẫn, đa chiều, khách quan và có tính định hướng rõ ràng trên quan điểm “bảo vệ, cổ vũ cái đúng, phản bác cái sai”.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị đào tạo báo chí tham dự hội nghị.

Trong đó, trên báo giấy, báo tập trung thực hiện các bài viết mang tính chuyên sâu, chuyên đề, hướng đến đọc chậm, lắng đọng. Thông tin không chỉ là dòng thời sự mà còn mang tính giải thích, bình luận, làm rõ hơn bản chất của các sự kiện, vụ việc một cách khách quan, đa chiều và gợi mở các giải pháp. Tương tự, với báo điện tử, báo nỗ lực đổi mới nội dung, cân bằng giữa thông tin mang tính tư tưởng, chính trị với thông tin giải trí, thể thao, pháp luật dân sinh nhưng cũng được thể hiện mang tính giáo dục, định hướng.

Cụ thể, trước các sự kiện lớn của đất nước, như các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp Quốc hội, phiên họp Chính phủ thường kỳ; hay các quyết định quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, báo chú trọng tổ chức các chuyên đề, tuyến bài thông tin sâu, có tính giải thích, giáo dục, định hướng chính trị, tư tưởng một cách rõ ràng, đa chiều.

Gần 1 năm trở lại đây, báo đã mở chuyên đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” cả trên nhật báo và báo điện tử, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lý luận, nhà quản lý cùng đội ngũ phóng viên của đơn vị. Với những nỗ lực này, trong năm qua, loạt bài về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” do các phóng viên của báo và chuyên gia thực hiện đã đoạt giải B Giải báo chí Đối ngoại toàn quốc.

Ví như, tại Hội nghị Trung ương 6 mới đây, lần đầu tiên có 3 Uỷ viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Từ quyết định trên, ngay trong thời điểm Hội nghị đang diễn ra, báo đã thực hiện ngay loạt bài Longform 5 kỳ về mở đường cho văn hóa, cho tiền lệ từ chức; từ đó đánh thức lòng tự trọng trong mỗi cán bộ, đảng viên khi thấy uy tín giảm sút, hoặc năng lực hạn chế.

Trên báo điện tử, Tiền Phong cũng đã ra mắt chuyên mục “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng” từ 2/9/2022. Chuyên mục là hệ thống các bài viết tập trung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng. Các sản phẩm, bài viết trong chuyên mục được trình bày ngày càng hiện đại, đa phương tiện, dưới dạng longform, mega story, kết hợp nội dung văn bản với hình ảnh, video và đồ họa được báo chăm chút và thực hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn. Điều này cũng giúp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đồng thuận, nhất là trước các chủ trương chính sách, các quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Tương tự, với ấn phẩm giấy, báo cũng không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức để tăng sự lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc.

Chỉ tính trong năm 2022, chuyên mục Xây dựng và chỉnh đốn Đảng của báo Tiền Phong điện tử đã xuất bản gần 700 tin bài và cũng là một trong những chuyên mục mang lại lượng bạn đọc cao nhất của báo.

Đặt hàng sản phẩm báo chí chất lượng cao

Thời gian qua, báo Tiền Phong triển khai nhiều hình thức làm báo hiện đại phục vụ nhu cầu tiếp cận mới của bạn đọc.

Cũng theo nhà báo Phùng Công Sưởng, báo luôn có sự điều chỉnh kịp thời các chuyên mục theo dòng thời sự lớn để vừa thu hút bạn đọc, vừa đáp ứng yêu cầu thông tin giáo dục, định hướng. Theo đó, năm 2022 là năm diễn ra Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Xác định đây là sự kiện chính trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thế hệ trẻ, ngay từ đầu năm báo đã mở chuyên trang Đại hội Đoàn. Ngoài nội dung, báo chú trọng cách thức trình bày theo hướng tích hợp nhiều loại hình báo chí hiện đại: megastory, e-magazine, infographic, video, chùm ảnh, talk.

“Dự báo trong thời gian tới, với sự phát triển của công nghệ, sự phát triển của các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như TikTok, Facebook, Twitter, YouTube, Telegram sẽ còn tạo ra nhiều sức ép cho các cơ quan báo chí trong việc thu hút bạn đọc. Đặc biệt, trong lĩnh vực tuyên truyền về chính trị, tư tưởng - thường được cho là “khô và khổ”, để thông tin hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc cần tiêu tốn rất nhiều nhân lực, vật lực, phương tiện cũng như đầu tư cho công nghệ, trong khi kinh tế báo chí đang ngày càng khó khăn.

Do đó, để báo chí thực hiện tốt hơn việc bảo đảm hài hòa giữa đáp ứng yêu cầu thông tin đời sống dân sinh với giáo dục, định hướng chính trị, tư tưởng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, sự “chung tay” của các cơ quan quản lý báo chí; sự “mở cửa” hơn nữa trong việc cung cấp và phản hồi thông tin, trả lời sớm cho các cơ quan báo chí về các vấn đề, sự kiện nóng được dư luận chú ý hoặc trước các chủ trương, quyết sách lớn được nhân dân quan tâm”, nhà báo Phùng Công Sưởng bày tỏ, đồng thời cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan cũng nên nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ, hoặc đặt báo chí thực hiện các sản phẩm truyền thông chất lượng cao để tuyên truyền, định hướng về các vấn đề lớn của đất nước, của các bộ ngành, địa phương.