Cựu Tổng thống Bill Clinton và câu chuyện của 20 năm

TP - Cả các quan chức Việt Nam và phía Mỹ đều không tuyên xưng vị Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ William Jefferson Clinton (thường gọi Bill Clinton) là “cựu Tổng thống” mà vẫn gọi ông là “Ngài Tổng thống” trong sự kiện đặc biệt diễn ra tối 2/7 tại khách sạn JW Marriott, Hà Nội.
Cựu Tổng thống Bill Clinton nâng ly chúc mừng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, bạn đời của đại sứ, Clayton Bond và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (thứ tự từ phải sang). Ảnh: Reuters

Ôn cố tri tân


Dù đã được nhắc nhở trước, nhưng quan khách vẫn ào ào chĩa máy ảnh, camera vào vị cựu Tổng thống, một chính khách tầm cỡ thế giới đầy quyền lực mà vầng hào quang dường như vẫn chưa hề lu mờ. Dĩ nhiên là đặc biệt rồi vì sự kiện tối 2/7 không chỉ mừng  239 năm quốc khánh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà còn là lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Làm sao không đặc biệt cho được với sự hiện diện của chính người đã quyết định dỡ bỏ cấm vận Việt Nam vào ngày 3/2/1994, sau đó tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 2/7/1995.

“Chúng ta, thay vì trả đũa hãy nắm tay nhau, tiếp cận với nhau, không phải bằng những nắm đấm mà bằng những vòng tay rộng mở”.

Cựu Tổng thống Bill Clinton

Ông Clinton cũng là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam độc lập và thống nhất, mở ra trang sử mới hữu nghị và hợp tác giữa hai nước tưởng chừng là cựu thù không đội trời chung, nay lại trở thành những người bạn và đối tác ngày càng thân thiết. Đây là lần thứ 5 ông Clinton đến Việt Nam. Chuyến thăm lần nào của nhà chính khách lão luyện này cũng đầy ý nghĩa. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, máy bay chở cựu Tổng thống Clinton đáp xuống Nội Bài lúc 2h30 rạng sáng ngày 2/7. Sau đó, ông có hàng loạt các cuộc tiếp xúc, làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam và buổi tối đó ông không thể bỏ lỡ dịp kỷ niệm một ngày trọng đại mà chính ông là kiến trúc sư, người tích cực thúc đẩy và hiện thực hóa nó.

Tôi cảm nhận rất rõ không khí đặc biệt ấy trong khán phòng đầy ắp cả ngàn quan khách. Bài Tiến quân ca do dàn hợp xướng Hy vọng gồm các thành viên khuyết tật trình bày trầm hùng ngân vang khiến những trái tim Việt xốn xang. Ông Bill Clinton, Đại sứ Osius và người bạn đời của ông nghiêm trang đặt tay lên, chính nơi trái tim một cách đầy thành ý. Nhà sử học Dương Trung Quốc và mấy vị bộ trưởng đứng cạnh tôi, không ai bảo ai, cùng hòa giọng hát quốc ca đầy tự hào và xúc động. Bài quốc ca Mỹ do hạ sĩ quan không quân Rebecca Elen đến từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trình bày với chất giọng trong vắt, đẹp đẽ, trên nền nghi lễ rước cờ đầy tôn nghiêm do Đội nghi thức thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cử hành.

Pháo tay nổi lên rầm rầm khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu bằng tiếng Việt, chào đón “đại diện Đảng Cộng sản và Quân đội nhân dân Việt Nam” cũng như các quan khách tới dự buổi tối hết sức ý nghĩa. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn cựu Tổng thống Bill Clinton đã vượt vạn dặm xa xôi để đến tham dự sự kiện quan trọng này. “Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã đề cao tư tưởng tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc, mà nhân dân Việt Nam cũng như các dân tộc khát khao hòa bình, tự do đều chia sẻ. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã trân trọng trích dẫn tư tưởng đó trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và điều đáng nhớ trong lịch sử hai nước là ở buổi lễ độc lập đầu tiên của Việt Nam, các bạn Hoa Kỳ là những vị khách nước ngoài đầu tiên có mặt để chia vui với nhân dân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Một vị khách hỏi nhỏ nhà sử học Dương Trung Quốc: “Đúng thế hả anh?”. Ông Quốc bảo: “Đúng vậy. Tôi còn giữ bức ảnh chuyên gia Mỹ thuộc quân đội đồng minh chỉ dẫn cho Cụ Hồ cách ném lựu đạn hồi ở chiến khu trước Cách mạng tháng Tám nữa cơ”. Ông Quốc nói với tôi rằng đang rất chờ đón cựu Tổng thống Clinton tới dự triển lãm ảnh kỷ niệm 20 năm Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào sáng hôm sau. Một sự kiện mà Hội sử học đã dày công chuẩn bị cho dịp này. Nhà sử học tâm sự vẫn còn nhớ như in cuộc gặp với ông Clinton khi ông sang thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 11/2000.

Điểm nhấn và phần được mong chờ nhất buổi lễ là bài “đít-cua” của cựu Tổng thống Bill Clinton, người cách đây 20 năm ra tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Ông Clinton để bài diễn văn trong một chiếc cặp sơ-mi màu xanh đậm, nhưng khi bước lên bục diễn thuyết, ông hầu như không buồn ngó tới nó mà trở về phong cách hùng biện thường thấy. Giọng ông Clinton không còn vượng như xưa nhưng phong độ vẫn hết sức hào sảng.

Ông Clinton gọi lễ kỷ niệm 20 năm Việt-Mỹ nối lại quan hệ là “ngày tuyệt vời” và ôn lại thời điểm cực kỳ khó khăn để tiến tới quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. “Việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đối với tôi vừa mang tính cá nhân, vừa mang ý nghĩa chính trị và địa chính trị. Đó là một trong những việc quan trọng nhất tôi làm được trong nhiệm kỳ của mình. Nó giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, mang lại tình hữu nghị đích thực”, ông Clinton khẳng định.

Theo ông Clinton, nước Mỹ còn “được lợi nhiều hơn” trong việc quan hệ hữu nghị giữa hai nước Mỹ-Việt. “Các bạn cứ hỏi ông Pete Peterson xem. Ông ấy từng là “khách” ở Việt Nam trong 6  năm (ông Peterson là phi công Mỹ lái F-4C Phantom đánh bom miền Bắc bị bắn rơi và bị giam ở Hỏa Lò và được trao trả cho Mỹ ngày 4/3/1973). Ông ấy về Mỹ tham gia chính trị rồi trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam. Bây giờ ông ấy sinh sống ở Úc để tiện về Việt Nam đấy thôi”, ông Clinton hóm hỉnh nói.

Cựu Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson bật cười cùng cử tọa trong tiếng vỗ tay kéo dài của quan khách. Nhân vật trong phóng sự “Lão Chộp” của nhà văn Trần Đăng Khoa đã xấp xỉ bát tuần nhưng còn rất tráng kiện. Ông Peterson và người vợ Việt Nam, bà Lê Vi hiện đang sống tại Úc, đúng như lời ông Clinton, minh chứng cho những thăng trầm có hậu trong mối bang giao Việt-Mỹ.

Không rõ là vô tình hay hữu ý, cả hai cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson và Michael Michalak đứng cạnh nhau trong lễ kỷ niệm. Trông hai vị cựu Đại sứ tiền nhiệm trước Đại sứ Osius có vẻ mãn nguyện với quả ngọt hôm nay. Hai ông nằm trong số những người đã không tiếc công sức và tâm huyết đặt những viên gạch đầu tiên, đạp bằng hố sâu ngăn cách, nối lại niềm tin và nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Mỹ. Sau khi rời nhiệm sở, các ông vẫn luôn hướng về Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

 “Mở rộng vòng tay thay vì nắm đấm”

Cựu Tổng thống Clinton không quên cảm ơn các vị Đại sứ cũng như hai chính khách nhiều duyên nợ với Việt Nam như Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain từng là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam. “20 năm trước, nói chuyện bình thường hóa quan hệ với Việt Nam như thế hệ chúng tôi là vô cùng khó khăn. Người Mỹ lúc đó đều quen biết một ai đó bỏ mạng hoặc bị thương ở chiến trường Việt Nam. Ai cũng nghĩ chúng ta điên rồ. Nhưng khi những người bạn Việt Nam đã chấp nhận chúng tôi, và chúng tôi chấp nhận họ. Cả hai bên chúng ta đã thực sự được giải phóng “, ông Clinton chia sẻ.

Ông Clinton cho biết ông và vợ mình là bà Hillary đã vô cùng xúc động trước cảnh những người Việt Nam dầm mình dưới bùn, không quản khó nhọc, bẩn thỉu để cùng những người Mỹ tìm kiếm từng mẩu hài cốt một phi công Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam, trước sự chứng kiến của người con khiến “rơi nước mắt”. Theo ông Clinton, Việt Nam và Mỹ đã tiến một chặng đường dài sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. Cách đây 20 năm, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ vẻn vẹn 500 triệu USD/năm, nay thương mại hai chiều đã đạt 35 tỷ USD. Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á vào Mỹ.

Hai mươi năm trước, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ 1 USD/người/ngày, đời sống người dân hết sức khó khăn, giáo dục kém phát triển. Nhưng hiện nay học sinh Việt Nam được quốc tế xếp hạng thứ 12 thế giới về toán học và các môn khoa học khác. “Trước đây, tôi cùng hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain lập quỹ dành 100 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam tưởng là nhiều. Nhưng nay có tới 17.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Mỹ, cao hơn tất cả các nước Canada và Mexico và đứng thứ 8 thế giới về số sinh viên học tập tại Mỹ”, ông Clinton vui mừng nói.

Cựu Tổng thống Mỹ tâm sự ông rất phấn khởi khi Tổng thống Barack Obama đẩy nhanh việc đàm phán ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Mỹ. “Tôi hy vọng hai đảng tại Quốc hội Mỹ cũng sẽ mạnh mẽ ủng hộ ký kết TPP, giống như ủng hộ tôi thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam cách đây 20 năm trước”, ông Clinton nói. Ông hy vọng chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, giúp người Mỹ hiểu Việt Nam hơn và chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ sau 20 năm tại Việt Nam.

Ông Clinton kêu gọi hai nước Việt-Mỹ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực. “Chúng ta, thay vì trả đũa hãy nắm tay nhau, tiếp cận với nhau, không phải bằng những nắm đấm mà bằng những vòng tay rộng mở”, cựu Tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu dài gần 27 phút thường xuyên bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay. Chợt nhớ đến cuộc trao đổi riêng gần đây với Đại sứ Ted Osius, ông nhắc đi nhắc lại rằng hình thức quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ hiện tại hay nâng cấp lên đối tác chiến lược, không quan trọng bằng những nội dung hợp tác thực chất đang triển khai giữa hai nước.

Không thể không nhắc tới một vị cựu Đại sứ Mỹ khác tại Việt Nam là ông David Shear, hiện đang là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo ở biển Đông gây căng thẳng khu vực, ông Shear đã lên tiếng bênh vực các nước Đông Nam Á bị ức hiếp và tuyên bố Mỹ sẽ phản ứng trực tiếp các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu như toàn bộ biển Đông.