Ngày 7/9, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ xung quanh.
TS. Nguyễn Doãn Văn - Giám đốc Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội - cho Tiền Phong biết theo đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm, công ty Công viên cây xanh sẽ thực hiện kéo lại cây đa về chỗ cũ nhằm lấy lại cảnh quan vốn có của khu vực đền Bà Kiệu.
Theo ghi nhận của phóng viên, toàn bộ đền Bà Kiệu và khu vực bị cây đa đổ vào đã được quây hàng rào tôn để đảm bảo an toàn cho đền Bà Kiệu, chờ các bước hồi sinh cây đa này. Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam - chia sẻ quy trình hồi phục, chăm sóc cây sau bão, đặc biệt đối với cây đa.
"Cây đa thuộc họ thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), chi Ficus. Những cây thuộc chi này trồng lại rất dễ. Cây đa sau bão, bị bật gốc chỉ cần cắt tỉa lại cành, lá sau đó đào lại hố đất, dùng cần cẩu dựng cây lên, lấp đất, chống đỡ cây cẩn thận, cây sẽ tiếp tục sống, phát triển, đặc biệt, cần trồng sâu xuống để rễ đâm sâu xuống đất, tạo độ vững chắc cho cây", chuyên gia Lê Huy Cường nêu.
Trước đó, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi cây đa lâu năm ở đền Bà Kiệu bị bật gốc. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ: "Rất đáng tiếc! Khu vực này còn có các di tích tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, Tháp Bút và đền Ngọc Sơn. Đây là một trong những địa điểm đẹp và linh thiêng bậc nhất tại trung tâm Hà Nội. Mong sao cứu được cụ cây".
Những người dân sinh sống và làm việc ở khu vực này cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi cây đa cổ thụ bật gốc.
"Cây đổ xuống, gây tiếc nuối cho những người quen thuộc với nó như chúng tôi. Cây đã gắn bó với nhiều kỷ niệm của người dân Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua", anh Phạm Hùng Thế (CTCP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội, 26 Hàng Dầu) cho biết.
Đền Bà Kiệu là ngôi đền cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử cũng như tín ngưỡng. Hình ảnh của ngôi đền luôn gắn với hình bóng đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì ở Hà Nội.
TS. Nguyễn Doãn Văn thông tin thêm về hậu quả của bão YAGI tại các di tích trong thành phố, nhấn mạnh không có thiệt hại lớn về người và của. Do ảnh hưởng của bão, nhiều cành cây bị gãy, một số cây bị bật gốc nhưng không gây thiệt hại về cấu trúc chính của di tích.
Thiệt hại về tài sản ở các khu di tích phần lớn là bảng hiệu, bảng hiện chữ hướng dẫn trong khu di tích bị rơi, hỏng... Các thiệt hại này có thể nhanh chóng khắc phục được.