Cựu binh tay ngang làm phim từ nhật ký chiến trường

TP - Cựu binh Trần Chiến Chinh (67 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đặt trước mặt tôi ba cuốn nhật ký hơn ngàn trang bảo đấy là kịch bản, và giới thiệu với tôi hàng chục cụ ông, cụ bà đã ngoại lục tuần là “diễn viên” chính.
Kịch bản của “Một thời để nhớ” lấy từ ba cuốn nhật ký chiến trường của ông Trần Chiến Chinh. (Trong ảnh: Ông Chinh nâng niu ba cuốn nhật ký như báu vật).

Nghe hai chữ “làm phim”, ai cũng nghĩ đến một ê kíp hùng hậu với đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp nơi phim trường. Nhưng cựu binh Trần Chiến Chinh (67 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đặt trước mặt tôi ba cuốn nhật ký hơn ngàn trang bảo đấy là kịch bản, và giới thiệu với tôi hàng chục cụ ông, cụ bà đã ngoại lục tuần là “diễn viên” chính. Ông đã làm phim như thế, mà vẫn mua nước mắt của bao nhiêu người xem.

Kịch bản từ ngàn trang nhật ký

Từ năm 16 tuổi, ông Trần Chiến Chinh tham gia biệt động thành Đà Nẵng, sau đó làm bộ đội trinh sát huyện, đại đội trưởng rồi trợ lý tác chiến huyện Hòa Vang cho đến ngày giải phóng. Tám năm ở chiến trường Hòa Vang, ông mang theo bên mình ba cuốn nhật ký đóng bằng giấy ô li học trò và giấy pơ-luya cũ. Trong đó là câu chuyện về đồng đội vào sinh ra tử, mẹ già nuôi quân, cô em liên lạc…Thậm chí có trang, ông “cập nhật” tình hình căng thẳng từng giờ của ta và địch trong trận đánh. Trải qua ngần ấy năm giữa khói lửa chiến trường, ba cuốn nhật ký đã ố màu nhưng ông vẫn gìn giữ như báu vật.

29/3/2013, kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, ông Chinh có dịp ngồi lại cùng đồng đội ôn chuyện cũ ở chiến trường Hòa Vang. Mưa bom bão đạn và sự hy sinh của đồng đội hôm qua bỗng ùa về. Ông không cho phép mình lãng quên điều đó. Sau cuộc gặp gỡ ấy, ông đọc lại hết ba cuốn nhật kí cất giữ bấy lâu rồi tóm lược thành 300 câu thơ lục bát, và quyết định sẽ dựng bộ phim mang tên “Một thời để nhớ” từ chính những câu thơ này.

Tôi hạnh phúc vì tìm được nước mắt của đồng đội trên chính chiến trường ngày hôm qua, nơi bao chàng trai, cô gái đang tuổi thanh xuân nằm lại. Điều đó chứng tỏ rằng không ai lãng quên quá khứ”. 

Ông Chinh trải lòng

Trong 300 câu thơ ấy có tên của gần 200 đồng đội, Mẹ Việt Nam anh hùng, em bé liên lạc và các cơ sở cách mạng từng gắn bó với ông. Bởi phim mang tính lịch sử, nên ông phải trình Ban Tuyên giáo Thành ủy xem xét, chỉnh sửa lại các địa danh, ngày tháng, trận đánh cụ thể trong tập thơ cho thật chính xác trước khi sử dụng nó với vai trò kịch bản phim. “Tôi không phải thêm thắt một chi tiết hay nhân vật nào, bởi những gì từ cuộc chiến đã quá đủ để có một kịch bản phim hoàn hảo”, người cựu binh tâm sự.

Khi hay tin ông Chinh sắp “làm phim” về chiến tranh, đồng đội ông ai cũng hào hứng tham gia làm “diễn viên”. Cụ ông, cụ bà tự sắm sửa áo quần bộ đội, dép cao su, cơm nước và tự túc phương tiện đi lại. Ông chỉ phải thuê đội ngũ lo kỹ thuật quay và dựng phim.

Hình ảnh mẹ Xoài phường (Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) bên rổ khoai lang chờ bộ đội được tái hiện lại trong phim.

Xong xuôi mọi thứ, tháng 3/2014, “Một thời để nhớ” bấm máy. Các cựu binh luống tuổi bước chân về chiến trường xưa hình như không mỏi. Họ trèo đèo, lội suối, băng rừng, ăn cơm nắm và nhiều đêm nằm ngủ giữa trời. Lần ít nhất hai chục, lần nhiều lên tới năm chục người, đi suốt 6 tháng trời như vậy mới hoàn thành. Phim dài 30 phút, không có đối thoại giữa các nhân vật, chỉ có lời hát từ 300 câu thơ lục bát của ông được phổ nhạc theo thể loại dân ca bài Chòi do NSƯT Ngọc Thủy (Đoàn ca kịch Quảng Nam) và nghệ sĩ Thanh Châu (Câu lạc bộ bài chòi Hòa Vang) thể hiện phát song song với hình ảnh.

Tìm được ngày hôm qua

Ông Chinh chỉ cho tôi xem các địa danh Trạm Trung, Hầm Xẻ, Trung Mang, Tống Cói... được viết rõ ràng trên từng trang nhật ký, ông bảo cả đoàn đã tới đây, dựng lại những ngày tháng gian nan, khốc liệt. Mấy bà cụ tết tóc, đội mũ tai bèo, ông cụ đầu bạc mang ba lô, mũ cối bẻ lá ngụy trang, hành quân qua đồi qua suối, nhanh chân ẩn nấp khi nghe tiếng súng đạn… Họ diễn lại rất thật những hoạt động thường ngày trên chiến trường Hòa Vang.

Nhiều trận đánh không cân sức của ta với địch cũng được tái hiện lại, như trận ngày 28/1/1973 tại thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong chỉ có ba đồng chí nữ là Ông Thị Nguyệt, Hồ Thị Vân, Nguyễn Thị Xuân Mai (thuộc trung đội Lê Thị Hồng Gấm, Đại đội 2, huyện Hòa Vang) đương đầu với cả địch đông gấp nhiều lần từ sáng đến tối. Khi không còn sức chống cự nữa, họ đã ôm nhau nổ lựu đạn hy sinh để không bị bắt. Hay trận ngày 19/7/1974 ở Trảng Chổi, Hòa Bình (nay là Hòa Phong) làm hàng chục chiến sĩ hy sinh.

Tham gia đóng phim “Một thời để nhớ”, các cựu binh tìm được mình trong khói lửa chiến trường ngày hôm qua.

Chẳng ai giấu được xúc động khi  làm sống lại quá khứ. Cảnh quay 9 nữ chiến sĩ bị trúng bom B52 tại căn cứ Trạm Trung ngày 4/3/1972 bị gián đoạn nhiều lần bởi “diễn viên” ôm nhau nức nở xót xa đồng đội. Trong phim còn có hình ảnh  mẹ Xoài phường ở Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) bên rổ khoai lang chờ bộ đội đánh xong trận đi qua và bao người mẹ Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) mòn mỏi bên ngọn đèn dầu leo lắt đợi con về. Ông Chinh trải lòng: “Tôi hạnh phúc vì tìm được nước mắt của đồng đội trên chính chiến trường ngày hôm qua, nơi bao chàng trai, cô gái đang tuổi thanh xuân nằm lại. Điều đó chứng tỏ rằng không ai lãng quên quá khứ” – Ông Chinh trải lòng.

Mỗi năm ba lần, vào ngày 27/7, 22/12 và ra Tết, mọi người về lại căn cứ Trạm Trung, Tống Cói (Hòa Vang), Hang Dơi (Đại Lộc, Quảng Nam) làm mâm cơm cúng cho người ngã xuống. Họ còn hết lòng vì những đồng đội, mẹ liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Năm trước, anh chị em góp lại được gần trăm triệu đồng vào tận Ba Tơ, Quảng Ngãi xây nhà cho đồng đội Đinh Văn Ép, mẹ Lê Thị Sang (hiện ở tại xã Hòa Phong), mẹ của liệt sĩ Lê Ký cũng được mọi người chăm nom, thăm hỏi thường xuyên để bớt cô quạnh tuổi về chiều. 

Khi bộ phim hoàn thành, ông Chinh đã đưa đi chiếu nhiều nơi, đặc biệt trên địa bàn huyện Hòa Vang. Nơi nào “Một thời để nhớ” đi qua cũng mang theo vô vàn nước mắt, nhiều cựu chiến binh, mẹ liệt sĩ chỉ biết ôm chầm lấy ông mà nghẹn ngào: Cám ơn vì đã tìm được ngày hôm qua. Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, chia sẻ: “Bộ phim có lẽ không dành riêng cho mảnh đất và con người Hòa Vang nữa, bởi  nó quá xúc động. Phim nói hộ  đau thương, mất mát và ân tình trên chiến trường khắp cả nước này, đó cũng là sự tri ân những người đã nằm xuống cho Tổ quốc hôm nay”.