Di cư tự do: Nhức nhối

'Cuộc chiến' giành đất rừng

TP - Nhóm PV Tiền Phong đã mất nhiều tháng để tìm hiểu về những ngôi làng tưởng như vô danh (được đánh dấu bằng ký hiệu TK, tức tiểu khu và những dãy số) nằm thăm thẳm tại vùng sâu, xa ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở đó, thực sự đang có nhiều “cuộc chiến”… Di cư tự do, những hệ lụy nhãn tiền và nhức nhối.
Khám nghiệm hiện trường vụ hỗn chiến khiến 1 người chết ở xã Ea Bung

Vì kế sinh nhai, làn sóng người di cư tự do (DCTD) tràn vào rừng, chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp. Từ đó phát sinh nhiều vụ đụng độ, tranh giành đất giữa người đi trước với kẻ đến sau; giữa người DCTD với doanh nghiệp được giao đất, giao rừng… Nhiều “cuộc chiến” khốc liệt khiến người chết, kẻ vào tù. 

Vào điểm nóng

Mệt rũ người sau khi đánh vật với “con đường đau khổ” để vào các TK 180, 181, 197, PV Tiền Phong cùng nhà chức trách vui mừng khi được nghỉ chân tại trạm Đạ Lau. “Đây là trạm có đường sá đi lại trắc trở nhất trong số 10 trạm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk, thuộc địa bàn huyện Đam Rông, Lâm Đồng”, kiểm lâm viên K’Tỏ chia sẻ. Trạm được dựng trên đỉnh đồi, tầm nhìn bao quát khu vực rộng lớn xung quanh với những ruộng lúa bậc thang mơn mởn, kế đến là những rẫy cà phê xanh tốt bên những chỏm rừng tre nứa và phía xa xa rừng nguyên sinh thâm u. Khung cảnh thật yên bình nên ít ai ngờ vừa có hai “cơn bão” quét qua nơi này và những “vùng áp thấp” có nguy cơ thành “bão”. Đó là “bão” bạch hầu và “bão” giành đất rừng.

Ông K’Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, cho biết, đoàn cán bộ y tế của huyện vừa tá túc trạm Đạ Lau suốt mấy ngày để khống chế ổ dịch bạch hầu đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Việc chống dịch rất khẩn trương, từ việc phun thuốc khử trùng khắp làng, khám sàng lọc cho hàng trăm người, điều trị dự phòng cho 167 trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân Giàng Thị H. (21 tuổi), lấy hàng chục mẫu xét nghiệm để gửi đến Viện Pasteur TPHCM…

“Bệnh nhân này nằm ngoài đối tượng tiêm chủng, đi làm ăn xa và bị mắc bệnh. Cộng đồng người Mông ở Đam Rông và vùng giáp ranh là huyện Đắk G’Long của tinh Đắk Nông có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thường xuyên qua lại. Đắk G’Long đã xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu trong thời gian gần đây nên có khả năng H. bị lây bệnh từ khu vực này. Đây là hồi chuông cảnh báo bởi còn một số cộng đồng người Mông DCTD sống lẩn khuất giữa rừng và là “vùng lõm” về y tế tương tự như ở TK 181”, một chuyên gia y tế nhận định. 

Vụ việc khác đã xảy ra cách đây mấy tháng nhưng hiện vẫn khiến nhiều người lo lắng. Đó là vụ hàng trăm người dân ở làng Mông TK 181 bao vây trạm Đạ Lau đòi xử lý cán bộ. Một nhân viên của trạm đã trốn khỏi vòng vây chạy lên đồi cao đón sóng 4G gọi điện thoại kêu cứu. Lực lượng chức năng từ huyện Đam Rông cấp tốc vào làm việc. Nhiều tiếng đồng hồ sau, trật tự mới được vãn hồi.

Nguyên nhân của vụ việc này, theo một cán bộ kiểm lâm, khi lực lượng tuần tra của trạm phát hiện vụ phát rừng để làm rẫy, người vi phạm bỏ chạy vào rừng, để lại hiện trường chiếc xe máy. Lực lượng tuần tra đưa xe về trạm nhưng chưa tiến hành đủ các thủ tục theo quy định. Vin vào đó, một số người hô hoán cán bộ ăn trộm xe, kích động dân làng kéo đến bao vây trạm đòi xử lý cán bộ, bắt đền tiền…

Những cuộc huyết chiến giành đất

Tại hội nghị về sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhắc lại vụ tranh giành đất nổi cộm xảy ra vào năm 2016 tại điểm DCTD ở TK 1535, thuộc địa bàn xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, Đắk Nông). Ông cho rằng, dẫu vụ án đã xảy ra cách đây 4 năm nhưng dư âm, tính cảnh báo của nó vẫn còn.

Một vụ phá rừng ở huyện Đam Rông

Ghi nhận của PV Tiền Phong, mười mấy năm trước, người dân từ nhiều địa phương  đổ về những cánh rừng thuộc TK 1535 sinh sống. Đến năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông cho Cty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn thuê hàng ngàn hecta đất và rừng thuộc TK này (bao trùm cả phần đất người dân canh tác) dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất. Đỉnh điểm là cuộc hỗn chiến xảy ra vào ngày 23/10/2016 giữa nhóm người DCTD và Cty Long Sơn làm 3 người chết, 13 người bị thương.

Tại tỉnh Đắk Lắk, vào giữa năm 2018 xảy ra vụ nổ súng tranh giành đất giữa những người DCTD. Ông Hầu Thanh Bình (54 tuổi, ngụ xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) cùng con trai là Hầu Seo Tướng (18 tuổi) đến TK 182 để làm rẫy. Tại đây, giữa cha con ông Bình với hai anh em Giàng Seo Sếnh (27 tuổi) và Giàng A Thành (18 tuổi, cùng ngụ thôn 6, xã Cư K’bang) xảy ra mâu thuẫn vì tranh chấp đất đai. Trong một lần tranh cãi gay gắt, Sếnh bất ngờ dùng súng đạn hoa cải tự chế bắn ông Bình bị thương ở đùi. Thấy vậy, anh Tướng vào can ngăn bị Thành dùng rựa chém bị thương.

Cũng ở điểm nóng phá rừng Ea Súp, xảy ra tình trạng một nhóm người dân địa phương thường xuyên đến TK 263 (xã Ea Bung) tranh giành 8,5 ha đất lâm nghiệp mà gia đình bà Phạm Thị Phượng (hộ DCTD) đang canh tác. Bà Phượng gọi nhiều người trong làng ra ngăn cản dẫn đến cuộc hỗn chiến giữa hai bên với sự tham gia của gần 50 người, trang bị súng tự chế, mã tấu, cuốc xẻng, gậy gộc… Hậu quả, 1 người chết tại chỗ và 7 người bị thương.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho rằng nhiều điểm nóng về tranh chấp đất đai chậm được giải quyết; chuyện xung đột giữa người DCTD và dân sở tại tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây mất an ninh, trật tự, có nơi hình thành băng nhóm tội phạm bảo kê, tranh chấp đất đai.