Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ IV: Nạn nhân thứ hai

TP - Như kỳ trước nói về thật, hư chuyện đấu tố, giờ tôi đang ngồi với hai nhân chứng. Người thứ nhất là ông con rể của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Tiến sĩ khoa học Đặng Xuân Cự. TS Đặng Xuân Cự tuổi Tý (sinh năm 1948)  nhà khoa học chuyên ngành vật lý, nguyên là  Viện trưởng Viện Công nghệ Viện hàn lâm  khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia.
Cụ Đặng Xuân Quát bên khung cửi dệt.

Xin được mở ngoặc một chút.

Cụ Đặng Xuân Viện thân sinh Tổng Bí thư có 2 bà vợ. Bà cả sinh ra ông Trường Chinh. Bà hai là cụ Lương Thị Chấn. Cụ Chấn có người con trai tên là Đặng Xuân Quát. Ông Quát cùng cha khác mẹ với ông Trường Chinh, nhân vật chính trong câu chuyện kỳ này.

Thuở cụ Đặng Xuân Bảng từng đảm chức vụ trong  nội các triều đình rồi những là Tri phủ, Giám sát ngự sử, Án sát, Tuần phủ, Đốc học… hết mạn ngược lại vùng xuôi, cụ có một trại ấp nhỏ xinh bên Phủ Kiến Xương (nay là huyện Vũ Thư) Thái Bình. Bà hai cụ Đặng Xuân Viện, bà Chấn, vốn quen thuộc tằm tang canh cửi bên Hành Thiện được cụ Viện đưa sang trại ấp ở Thái Bình coi sóc quán xuyến việc làm nông cùng với người con trai Đặng Xuân Quát.

Lại đang nói về người con trai của ông Quát là Đặng Xuân Cự. Anh Cự học giỏi, được sang Cộng hòa Dân chủ Đức thời đó học ngành vật lý. Tại đây, anh Cự quen rồi nên duyên với cô con gái cưng của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tên là Phạm Đăng Phương (chị gái Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh). Sau này cuộc sống vợ chồng gia đình đang đượm thì không may chị Phương mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất…

Nhà khoa học Đặng Xuân Cự chất giọng thẳng ngay rằng, chuyện gia đình ông Trường Chinh bị đấu tố trong cải cách ruộng đất là chuyện đơm đặt, vớ vẩn.

Nhưng cuối câu chuyện có một bất ngờ.

 Chất giọng anh Cự trở nên trầm ngâm, các cụ gia đình ông Trường Chinh không bị đấu tố, nhưng có một người bị đấu tố! Mà nạn nhân đó là bố anh, ông Đặng Xuân Quát, người cùng cha khác mẹ với ông Trường Chinh!       

Được TS Cự giới thiệu, tôi tìm đến người con cả ông Đặng Xuân Quát, anh ruột Đặng Xuân Cự, chính là NSND Đặng Xuân Hải như kỳ 3, loạt bài này đã nói.

Từng được biết phóng viên điện ảnh quân đội Đặng Xuân Hải, người gắn bó với chiến trường khốc liệt Trị Thiên – Huế  thời điểm 1968 – 1972. Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, ông Đặng Xuân Hải là một trong những nhà quay phim dũng cảm sát cánh cùng bộ đội tham gia Mặt trận Huế. Những năm sau đó, ông Hải lặn lội với Mặt trận Quảng Trị và bị thương để lại cho hậu thế những tư liệu hình ảnh quý giá về cuộc chiến. Ông Hải còn tham gia đạo diễn bộ phim “Mùa xuân toàn thắng”. Phim đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần XII; Giải Bộ Quốc phòng 1994 - 1999; Giải hội điện ảnh 1998. Bây giờ lại được biết thêm một góc khuất mà như ông nói, chả muốn kể lại làm gì!...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, như nhiều gia đình nhân sĩ trí thức, tư sản… ủng hộ kháng chiến  rời bỏ thành đi tản cư. Song thân ông Trường Chinh, cụ Đặng Xuân Viện và bà vợ cả Nguyễn Thị Từ cùng một số người thân tạm rời quê và Hà Nội làm một cuộc trường chinh vất vả nhọc nhằn, cả nhà tản cư vào tận Nông Cống, Thanh Hóa.

Trong số người thân tản cư theo gia đình cụ Viện, có một cậu bé và một cô bé đều là cháu nội cụ Viện. Cậu bé là Đặng Xuân Hải sinh năm 1944. Còn cô bé là Đặng Thị Lanh, cũng sinh năm 1944. Đặng Thị Lanh có mẹ là bà Nguyễn Thị An, vợ Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Đỉnh sau này là Hiệu trưởng Đại học Mỏ, địa chất. Và ái nữ, Phó GS,TS Đặng Thị Lanh nhiều năm là giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội.

Hồi ức tuổi ấu thơ cậu bé Hải vẫn lưu giữ và luôn tươi rói những kỷ niệm về người và cảnh vật nơi tản cư tại vùng tự do Hợp Thành, Nông Cống tỉnh Thanh.  Dân vùng Hợp Thành nghèo lắm, được mùa Nông Cống sống mọi nơi nhưng dân làng luôn chu tất, tình cảm với dân mạn ngoài về tản cư. Gia đình cụ Viện được nhà nước cấp thóc nhưng bà mẹ cô bé Lanh vẫn được dân dành cho ruộng cấy thêm để có đủ thóc ăn cũng như trồng thêm vài thứ hoa màu lặt vặt. Những năm tháng vất vả gian khó nhưng đầm ấm tình người ấy theo mãi những người thân gia đình ông Trường Chinh. Mãi sau này khi người nhà về thăm lại nơi định cư bà con Hợp Thành, Nông Cống, nhất là người nhà cụ Đủ mới biết cái gia đình Cụ giáo  người Nam Định từng  tản cư về quê mình, ở ngay nhà mình là bố mẹ của ông Trường Chinh!

Cậu bé Hải thông minh dĩnh ngộ được ông nội, rất quý. Hải còn nhớ in,  ông nội có thú trồng hoa, nhưng độc mỗi giống hoa hồng bạch và thú nuôi gà cảnh, cũng độc thứ gà lông tuyền màu trắng cụ kêu là bạch kê. Hoàn cảnh nơi tản cư không thuận tiện nhiều bề nhưng sau đó đỡ khó khăn cụ Viện nối lại thú vui đó bởi có thằng cháu nội Đặng Xuân Hải làm trợ thủ đắc lực. Hết việc tưới hoa, cho gà ăn lại thau rửa cái điếu bát luôn bóng lọng của ông nội.

Cảm giác ngạc nhiên khi nghe những mẩu hồi ức của ông Hải cũng như bà Lanh bởi từng nghe những đồn thổi trên vài tờ báo mạng rằng, thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông Trường Chinh đã đưa ông bố bà mẹ và người thân của mình lên sống an toàn trên chiến khu Việt Bắc!?

Bao nhiêu kỷ niệm trong thời gian tản cư được sống bên ông bà nội có lẽ là thứ chất liệu để ông Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam  NSND Đặng Xuân Hải dùng vào công việc chuyên môn phim ảnh sau này của mình?

Cơn gió độc cùng dư ba khủng khiếp của cuộc tao loạn cải cách ruộng đất đã xộc vào cái ấp Tả Hành của cụ Đặng Xuân Bảng ở Vũ Thư, Thái Bình.

NSND nhà quay phim Đặng Xuân Hải trong các ngả đường chiến trận (ảnh tư liệu gia đình ông Hải cung cấp)

Những năm 1938, 1939, thời điểm nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Đặng Xuân Khu đứt liên lạc phải sang Thái Bình. Cái trại ấp Tả Hành heo hút của người em cùng cha khác mẹ Đặng Xuân Quát là nơi đi về bí mật của ông anh Trường Chinh và nhiều đồng chí khác nữa. Cơ sở bí mật Tả Hành cứ vững sau bao lần vây bủa khốc liệt của mật thám. Đặng Xuân Quát được giác ngộ từ trước và có chân trong cấp ủy. Sau cách mạng tháng Tám, ông Quát được rút lên tỉnh giữ chức phó ty Y tế.

…Và ông Phó ty Đặng Xuân Quát đang bị trói giật cánh khuỷu rủ xuống như tàu lá héo. Bên ông là ràn rạt những bần cố nông đương nộ khí xung thiên theo nhịp điều khiển của đội cải cách.

Vợ ông Quát là bà Nguyễn Thị Hồng. Bà vốn thạo tằm tang canh cửu nhất là dệt vải. Hai cái khung cửi hiện đang lưu ở nhà lưu niệm Trường Chinh, bà Hồng từng ngồi vẹt đêm hết ở Hành Thiện lại di dời sang Tả Hành. Cái khung đó được chuyển từ Hành Thiện sang trại ấp Tả Hành vào dịp chuyển mộ cụ Bảng về Hành Thiện. Độc đáo là người chồng, ông Quát, cũng rất thạo việc dệt vải!

Cụ Chấn, bà Hồng một già một trẻ cũng bị đem ra đấu tố truy bức  rằng vàng bạc cất giấu ở đâu?

Không được đánh, không được chửi bố tôi…  Cậu bé Hải lăn vào nơi bố bị trói nhưng phỏng ích gì? Đang từ nơi tản cư Nông Cống mới về Thái Bình với bố được ít ngày thì nhuốm ngay vào hoàn cảnh đấu tố khủng khiếp. Cán bộ đội cải cách, mới đầu thì ngọt nhạt, sau cáu tiết trói cậu bé lại dùng roi tre đực quất thật lực trước sau vẫn một giọng của cải nhà mày giấu ở đâu?

Cái trại ấp Tả Hành vốn thanh bình thoắt tan tành như tổ chim lành bị bão. Đã tan hoang trụi lúi từ chổi cùn rế rách nhưng đám cán bộ đội cải cách vẫn cáu tiết không hiểu tại sao cái trại ấp của một ông quan nghè trong triều đình phong kiến thối nát như thế mà không thấy bạc vàng châu báu?

Ngày nắng hanh đêm sương giá, bố vẫn bị trói, bị đấu tơi bời. Một rồi ba bốn ngày… Hơn một tuần rồi cả tháng lặng lẽ trôi trong những cơn, đợt rủa xả chửi mắng, đánh đập. Đến bây giờ Đặng Xuân Hải vẫn  không hiểu được tại sao bố mình lại có thể qua được những thời khắc ghê sợ như thế? Và đã bao lần cậu gào lên thảm thiết ông bà ơi về cứu bố cháu…  Không biết trong cơ man cái lỗ tai kia có ai chợt vỡ ra rằng, cái thằng bé 10 tuổi ấy kêu ông bà ấy là ông bà nào vậy?

Từ cuối hạ đến đầu thu, những ngày rùng rợn vào cái năm 1955 ấy...

May mà sửa sai.

Mấy mẫu ruộng cùng một con trâu, cái xe đạp của nhà ông Quát bị tịch thu đội đã chia quả thực cho bần cố nông, nhưng ông Quát cũng cởi được cái ách địa chủ. May không vướng vào cái chết tức tưởi như ông bác mình, cụ Đặng Xuân Mậu.

Sau sửa sai, ông Quát được rút lên tỉnh Thái Bình. Đang là phó ty giáng xuống làm nhân viên thường. Ông trải qua nhiều công việc sau đó làm ở Ty Công nghiệp cho đến lúc về hưu… Cụ Quát mất cách nay đã 10 năm.

Có lẽ đến đây bạn đọc không thể không bật lên một câu hỏi rằng, trong cơn tao loạn cải cách ruộng đất, những bác ruột, em ruột mình từng bị đấu tố khốc hại như thế mà ông Trường Chinh ở cương vị Tổng Bí thư lại không biết và không có sự can thiệp gì?

    _________________

        (Còn nữa)

Thời gian sau cải cách ruộng đất đói quay đói quắt, cậu bé Hải thất thểu trên đồng ngoài bãi đi mót khoai mót thóc. Cực thân nhất, suốt những năm học từ lớp Một đến lớp Ba trường làng Tả Hành,  đám trẻ con không đứa nào chịu ngồi chung hay chơi với thứ con cái địa chủ như cậu bé Hải!