'Cú quay đầu' giúp nhân loại tránh thảm họa thế chiến thứ 3

Ngày 6/10/1986, một chiếc máy bay trinh sát SR-71 Blackbird của Cơ quan tình báo Không quân Mỹ trong khi thực hiện một phi vụ do thám mà họ cho là "ở bên ngoài lãnh hải thuộc khu vực bờ biển Murmansk, Liên bang Xô Viết" thì bất ngờ một chiếc tiêm kích đánh chặn MiG 31 của Liên Xô xuất hiện, nghênh chiến.

Nếu như ngày ấy, chỉ cần phi công của chiếc MiG 31 quyết định khai hỏa tên lửa để bắn hạ chiếc SR71 thì có lẽ chiến tranh thế giới lần thứ 3 sẽ nổ ra. Vụ việc được nhà sử học người Anh Paul Crickmore tiết lộ trong cuốn sách "Máy bay trinh sát Lockheed Blackbird - Phía sau một nhiệm vụ bí mật" (Lockheed Blackbird, Beyond the Missions Secret).

Kẻ tám lạng, người nửa cân…

10 giờ sáng ngày 6/10/1986, chiếc máy bay trinh sát hai động cơ phản lực SR71, biệt danh "Chim đen - Blackbird" do Trung tá cơ trưởng Ed Yeilding và Trung tá cơ phó Curt Osterheld điều khiển, xuất phát từ một căn cứ của Mỹ ở Na Uy, tiến vào vùng trời gần lãnh hải thuộc khu vực bờ biển Murmansk, Liên bang Xôviết ở độ cao 25 nghìn mét. 

Trung tá Curt Osterheld nhớ lại: "Bầu trời hôm ấy xanh ngắt, có thể nhìn thấy rõ mặt đất. Nhiệm vụ của chúng tôi là chụp ảnh toàn bộ vùng Murmansk, nơi đặt nhà máy đóng tàu ngầm, căn cứ tàu ngầm và đặc biệt là một hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô mà theo tin tình báo, nó đang có mặt ở nơi ấy".

SR71 Blackbird là loại máy bay trinh sát hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, do hãng Lockheed Martin, Mỹ, chế tạo, phục vụ cho cả Không quân Mỹ cũng như CIA, Cơ quan An ninh quốc gia NSA, Cơ quan Trinh sát quốc gia NRO, Cơ quan Tình báo quốc phòng DIA… từ năm 1964 đến 1989 trước khi bị thay thế bởi vệ tinh và những loại máy bay không người lái (UAV). SR71 có thể bay cao tối đa 29.500m với vận tốc 3.529km/giờ.

Máy bay trinh sát SR71.

Và vì làm nhiệm vụ trinh sát nên SR71 không được trang bị súng hay tên lửa như thường thấy ở những loại máy bay quân sự khác. Để bảo vệ nó trước radar và tên lửa của đối phương, toàn bộ phần thân, cánh và đuôi của chiếc SR71 được phủ bằng một loại sơn đặc biệt chứa ferrites sắt, có tính năng hấp thụ sóng radar thay vì phản xạ lại; chưa kể nó còn gây nhiễu radar của đối phương bằng một thiết bị điện tử tinh vi, gọi là ECM.

Ngược lại với SR71, máy bay phản lực tiêm kích đánh chặn MiG31 (khối NATO định danh là Foxhound - chó săn cáo), do tập đoàn Mikoyan-Gurevich chế tạo, bay lần đầu vào tháng 9/1975 và dự định sẽ còn tiếp tục hoạt động ít nhất cho đến năm 2030. Tốc độ tối đa của MiG31 là 3.000km/giờ, bán kính hoạt động 1.450km.

Được mệnh danh là "Radar bay - Flying Radar", MiG31 là máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô trang bị radar mạng pha và radar điện tử quét thụ động, có thể phát hiện 24 mục tiêu ở trên không từ cách đó 400km và đồng thời cùng một lúc, khóa 8 mục tiêu để tên lửa tiêu diệt; còn trên mặt biển MiG31 phát hiện tàu thuyền từ khoảng cách 225 km.

Vũ trang bằng tên lửa hành trình không đối không hoặc không đối hải, dẫn đường chủ động, MiG31 kiểm soát một khu vực không gian từ 800 đến 900 km. Riêng loại tên lửa R-33 trên chiếc MiG 31 mà vận tốc lên đến 4.100km/giờ, nó hoàn toàn có thể "xơi tái" chiếc SR71 nếu đã lọt vào tầm ngắm.

Đối đầu

Trở lại chuyện chiếc SR71 do Trung tá cơ trưởng Ed Yeilding và Trung tá cơ phó Curt Osterheld điều khiển, bay chụp hình khu vực bờ biển Murmansk, Liên Xô, thì thời điểm ấy, giữa Liên Xô và Mỹ  đang ở đỉnh cao của cuộc chiến tranh lạnh mà nguyên nhân là cả hai bên đều có những bất đồng về việc cắt giảm chạy đua vũ trang, trong đó tổng thống Mỹ Reagan đưa ra sáng kiến "Phòng thủ chiến lược", còn Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev lại muốn sáng kiến ấy bị loại bỏ.

Trung tá Curt Osterheld kể: "Tôi đang thao tác các thiết bị chụp ảnh thì đột nhiên, từ khoảng cách ước chừng 160km phía dưới chiếc SR71, tôi thấy một dải khói màu trắng - là luồng hơi phun ra từ động cơ phản lực nhưng do không khí loãng và lạnh nên nó tan rất chậm - nhắm hướng chúng tôi bay thẳng đến. Quan sát trên màn hình radar, tôi biết đó là một máy bay chiến đấu của Liên Xô, có thể là một chiếc MiG31, loại tiêm kích đánh chặn thế hệ mới nhất".

Nhận thấy sự xuất hiện của chiếc MiG31 hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, Trung tá Ed Yeilding lập tức gọi về Trung tâm chỉ huy tiền phương của Cơ quan tình báo Không quân Mỹ, đặt ở Na Uy, báo cáo vụ việc và xin ý kiến chỉ đạo. Tại nơi này, các sĩ quan cùng các chuyên gia "mũ cao áo dài" cho rằng sự lo sợ của Ed Yeilding chỉ là hão huyền bởi lẽ với vận tốc của chiếc SR71 thì không một loại máy bay nào có thể đuổi kịp - kể cả tên lửa phòng không SAM.

Cũng cần nói thêm rằng trước đó không lâu, một điệp viên CIA ở Đông Âu đã gửi về Bộ chỉ huy CIA ở Langley, bang Virginia, Mỹ, một bản báo cáo kế hoạch của Liên Xô nhằm tiêu diệt máy bay SR71.

Bản kế hoạch viết: "Máy bay do thám Mỹ SR71 đã rình mò ngoài khơi bờ biển, trong không phận của chúng ta (Liên Xô) và chụp ảnh địa hình hàng trăm dặm nội địa. Họ chế giễu và đùa giỡn với MiG25 được gửi lên để đánh chặn vì MiG25 không thể đạt đến độ cao cần thiết. Và mặc dù các phi công của chúng ta đã cố gắng bắn hạ SR71 bằng cách cho 1 chiếc MiG25 bay ở phía trước chiếc SR71, và 1 chiếc bay ở phía dưới. Khi SR 71 vượt qua khoảng giữa này, phi công sẽ bắn tên lửa tiêu diệt nó nhưng không thành công vì ở độ cao trên 25 nghìn mét, hệ thống dẫn đường của tên lửa không thể điều chỉnh hướng bay kịp thời do không khí quá loãng. Ngay cả khi chúng ta cải tiến để tên lửa bắt được mục tiêu thì tốc độ của nó cũng không thể chạm vào chiếc SR71 được nếu bắn theo kiểu "rượt đuổi"…".

Thế nên, các sĩ quan có trách nhiệm về phi vụ chụp ảnh của chiếc SR71 ở Trung tâm chỉ huy tiền phương, Na Uy, một mặt vẫn ra lệnh cho Trung tá Ed Yeilding tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Mặt khác, họ gọi về Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ và Lầu Năm Góc, báo cáo tình hình đang diễn ra. Thời điểm ấy, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ cũng như Lầu Năm Góc đã có những thông tin tình báo ban đầu về loại tên lửa R33 (NATO định danh là AAS-9 Armos) với hệ thống dẫn đường WSO do Liên Xô chế tạo, được trang bị trên MiG 31. Nó có khả năng khóa mục tiêu ở khoảng cách 120km, dẫn đường chính xác ở độ cao 29 nghìn mét nhưng họ cho rằng MiG31 sẽ không dám khai hỏa vì chiếc SR71 đang bay bên ngoài không phận Liên Xô. Tuy vậy, Lầu Năm Góc vẫn ra lệnh báo động với mức cao nhất cho tất cả các không đoàn không quân chiến lược, chiến thuật Mỹ, đang đồn trú ở những quốc gia Tây Âu, sẵn sàng tấn công trả đũa vào những căn cứ quân sự của Liên Xô ở Murmansk nếu chiếc SR71 bị bắn hạ.

Về phía Liên Xô, phi công điều khiển chiếc MiG31 hôm ấy là Đại úy Mikhail Myagkiy, một trong những người bay MiG31 đầu tiên và cũng là người đã từng nhiều lần xuất kích để đánh chặn các loại máy bay do thám Mỹ.

Ông kể: "Để tiêu diệt chiếc SR71 sau khi đã phát ra cảnh báo, rằng nó đã xâm phạm lãnh thổ Liên Xô và chúng tôi yêu cầu nó phải rút lui. Nếu nó không chấp hành, tôi phải tính toán đến giây phút cuối cùng trước lúc bấm nút phóng tên lửa. Với loại R-33, tôi tin chắc rằng nó không có cơ hội trốn thoát". Và cũng như phía Mỹ, cùng lúc đó các đơn vị không quân, hải quân, các hệ thống tên lửa phòng không từ Murmansk kéo dài cho đến Dnieper, bán đảo Crimea, Caucasus và Caspian cũng được lệnh báo động ở mức cao nhất, chưa kể ít nhất 6 chiếc MiG31 khác được điều lên, phối hợp với Đại úy Mikhail Myagkiy.

Với người Mỹ, kể từ khi chiếc máy bay trinh sát U2 do phi công Gary Powers điều khiển, bị tên lửa SAM của Liên Xô bắn hạ, Powers bị bắt làm tù binh đã là một nỗi ám ảnh thì bây giờ, nếu chiếc SR71 tiếp tục lặp lại số phận của chiếc U2, nó sẽ gây ra một sự khủng hoảng trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, nhất là vào thời điểm mà một hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Liên Xô về việc ký kết "Hiệp ước giải giới các loại vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn từ 500 đến 5.500km cùng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phóng", sắp được tổ chức.

Thật ra, vào giai đoạn chiến tranh lạnh, chuyện Liên Xô và Mỹ liên tục theo dõi lẫn nhau là chuyện chẳng có gì mới. Những chiếc tàu trinh sát điện tử của Liên Xô ngụy trang thành tàu đánh cá vẫn thường xuyên lượn lờ ở ngoài khơi bang Alaska, Hawaii, hoặc các căn cứ của Hải quân, Không quân Mỹ tại một số hòn đảo trên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương nhưng những con tàu này đều nằm ở hải phận quốc tế nên người Mỹ chẳng có cớ gì để mà tấn công nếu họ không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực.

Trung tá Ed Yeilding, cơ trưởng chiếc SR71 kể: "Căn cứ vào hành trình của chiếc MiG31, tôi tin rằng viên phi công đã được lệnh bắn hạ chúng tôi bằng tên lửa. Với hướng bay của chiếc SR71, chúng tôi sẽ rơi trong đất Liên Xô khoảng 21km. Và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một thảm kịch rất nghiêm trọng. Chiếc SR71 lại không hề được trang bị mồi bẫy chống tên lửa tầm nhiệt nên vì vậy, tôi chỉ còn hy vọng vào độ cao và tốc độ của máy bay chúng tôi mà thôi".

Trung tá Yeilding và Trung tá Curt Osterheld cùng chiếc SR71 trở về sau chuyến trinh sát lãnh thổ Liên Xô.

Quay đầu

Lúc ấy là khoảng 11 giờ ngày 6/10/1986, chiếc SR71 và chiếc MiG31 đang ở trong tư thế đối đầu. Trung tá Yeilding nhớ lại: "Hai chiếc máy bay như hai hiệp sĩ thời trung cổ, trên lưng ngựa, lao thẳng vào nhau”. Trung tá Curt Osterheld nói: "Đối mặt với sự sống còn, tôi và Yeilding chỉ biết phụ thuộc vào sự định hướng chính xác để giữ cho máy bay của chúng tôi nằm ngoài lãnh hải Liên Xô. Có như vậy, chúng tôi mới ngăn chặn được chiếc MiG31 phóng tên lửa".

Đến phút cuối, chiếc SR71 và chiếc MiG31 chỉ còn cách nhau khoảng 16km. Hệ thống cảnh báo sớm trên chiếc SR71 liên tục vang lên những tiếng pip pip chói tai cùng với ánh đèn đỏ chớp nháy, dấu hiệu cho biết nó đã bị tên lửa của chiếc MiG31 khóa mục tiêu trong lúc Đại úy Mikhail Myagkiy gọi về Trung tâm chỉ huy ở Murmansk: "Máy bay do thám Mỹ đã vi phạm không phận Liên Xô. Tên lửa sẽ được phóng để bắn hạ nó".

Thế rồi bất ngờ, chiếc SR71 nghiêng cánh, chúi mũi xuống. Với vận tốc 3.250km/giờ, nó tìm cách thoát khỏi tầm bắn của tên lửa R-33 trên chiếc MiG 31 - lúc ấy vẫn chưa được bắn ra, cũng như thoát khỏi không phận Liên Xô. Theo sử gia Paul Crickmore, cú quay đầu đột ngột đã cứu nhân loại thoát khỏi thế chiến 3 khi mà hầu như toàn bộ hệ thống vũ khí của cả Mỹ lẫn Liên Xô đã sẵn sàng khởi động.

Sau sự cố ấy, tất cả các phi vụ trinh sát Liên Xô bằng máy bay SR71 đều bị hủy bỏ vĩnh viễn. Và mặc dù Không quân Mỹ chưa bao giờ thừa nhận rằng MiG31 là một trong những nguyên nhân khiến SR71 phải "nghỉ hưu" nhưng về phương diện kỹ thuật, Liên Xô đã chứng tỏ SR71 không phải là "loại chim sắt chẳng thể với tới được"…

Theo Theo An Ninh Thế Giới