Để phòng chống dịch COVID-19, từ 7h ngày 27/3, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tạm ngừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, câu lạc bộ bida, sân golf,cơ sở làm đẹp, hớt tóc, các khu chợ đêm, nhà hàng, quán bia, cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát (kể cả tại các trạm dừng chân) với công suất phục vụ từ 20 người trở lên; khuyến khích các hình thức đặt hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tạn nơi.
TP Biên Hòa nơi tập trung nhiều các hình thức dịch vụ kinh doanh kể trên cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định tạm dừng hoạt động.
Hội An tạm dừng một số hoạt động kinh doanh
Ngày 27/3, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An ký văn bản thông báo tạm dừng một số hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hội An để phòng, chống dịch COVID 19.
Theo đó, một số hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê giải khát trên địa bàn tạm dừng hoạt động từ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4. Sau thời gian trên tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh UBND thành phố sẽ xem xét, quyết định việc cho phép hoạt động trở lại hoặc kéo dào thời gian để phòng chống dịch bệnh.
Từ ngày 28/3, không tổ chức các hoạt động hội họp với số lượng lớn trên 20 người ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, riêng các hoạt động bên ngoài công sở không được tổ chức với số lượng quá 10 người. Đối với các dịch vụ khác còn được phép hoạt động phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp để đảm bảo không lây lan dịch bệnh.
Phòng Văn hóa Thông tin, phòng Kinh tế, Trung tâm VH TT và TT – TH thành phố, UBND các phường, xã và các đơn vị liên quan phối hợp thông tin đến các hộ kinh doanh biết và thực hiện; Chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra quản lý địa bàn để đảm bảo chấp hành nghiêm.
Công an thành phố, các xã phường bám sát địa bàn, quản lý nắm chắc tình hình khách du lịch lưu trú, tạm trú nhằm đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh COVID
Liên quan tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID 19 tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 26/3, ngành Y tế Quảng Nam ghi nhận 3 trường hợp dương tính với COVID 19; 425 mẫu âm tính và 205 mẫu đang chờ kết quả. Đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo đang thực hiện cách ly cho 80 người.
Cách ly 55 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân 17 tuổi Sáng 27/3, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn hiện tại ghi nhận một trường hợp nhiễm COVID-19. Bệnh nhân là nữ giới (17 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Bệnh nhân kể trên đang được cách ly tại bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Đây là bệnh nhân thứ 146 nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang bình thường.
Qua điều tra dịch tễ, Sở Y tế Hà Tĩnh thống kê được 55 người có lịch sử tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân 146. Tất cả những trường hợp này đang cách ly tập trung tại khu B cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và tại các khu cách ly tập trung của huyện Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đang lấy mẫu xét nghiệm 55 người trên. Theo lịch trình khai báo dịch tễ, bệnh nhân 146 đi từ Thái Lan về qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) vào ngày 20/3. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân 122 nhiễm COVID-19 (đang được điều trị cách ly tại Đà Nẵng) khi người này đang ở Thái Lan.
Kết quả xét nghiệm của nữ sinh Đắk Lắk nghi nhiễm
Ngày 27/3, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức Họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, qua đó công bố kết quả xét nghiệm của một nữ bệnh nhân nghi liên quan đến dịch bệnh nói trên.
Ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến 7h sáng ngày 27/3, địa phương chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Thời quan qua, ngành y đã chủ động giám sát phát hiện, cách ly và theo dõi 324 trường hợp (trong đó có 81 trường hợp còn cách ly).
Đối với trường hợp nữ sinh viên từ TP Hồ Chí Minh về huyện Krông Ana có liên quan đến yếu tố dịch tễ COVID-19, ông Huyên cho biết: Cô Đ.T.M.H là sinh viên năm 3 của trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, H có làm thêm tại nhà hàng Ashima (số 47, đường số 6, phường Tân Phong, Quận 7, TP Hồ Chí Minh), thường xuyên tiếp xúc với các khách hàng người nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc…). Sau khi về địa phương, H có biểu hiện ho, khó thở, được chuyển đến trung tâm y tế để cách ly theo dõi và điều trị. Hiện H đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, ngành y tế đã chuẩn bị xong bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (cũ) với 500 giường bệnh. “Đây là phương án dự phòng trong tình huống xấu nhất xảy ra. Lúc này không phải chỉ ngành Y mà toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc" - ông Nay Phi La nói.
Hiện nay, ngành y tế địa phương có 25 cơ sở điều trị với 4.580 giường bệnh (chưa tính 920 giường bệnh ở các trạm y tế). Trong đó, 1.100 giường ưu tiên cho điều trị dịch bệnh COVID-19 và 200 giường hiện đang bố trí ở Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, ngành y sẽ chọn phía Bắc là Trung tâm y tế Krông Búk có 100 giường bệnh; phía Đông chọn bệnh viện 333 có 200 giường bệnh; tại TP Buôn Ma Thuột chọn bệnh viện Lao phổi có 100 giường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (cũ) làm bệnh viện dã chiến có 500 giường bệnh.
"Hệ thống giường bệnh của ngành y tế đáp ứng đầy đủ 1.000 giường bệnh. Nếu dịch bệnh xảy ra giao động từ 600 đến 1.000 ca lây nhiễm cách ly, với nguồn lực của mình, ngành y tế sẽ đuối, vì không có người thay đổi luân phiên” – ông Nay Phi La nói.
Tuy vậy, ngành y tế cũng đã tính đến việc chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực tại bệnh viện dã chiến 500 giường. Cụ thể, ngành y tế sẽ chuẩn bị 500 cán bộ y tế, huy động 90 bác sĩ, 18 dược sĩ của ngành y tế và trường ĐH Tây Nguyên, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; liên lạc các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn (huy động 100 giảng viên và hơn 1000 sv vào tăng cường công tác phòng dịch); kêu gọi đội ngũ cán bộ y tế đã nghỉ hưu từ năm 2015 đến nay (hơn 500 cán bộ ngành y tế) để tăng cường chống dịch, khi có nhu cầu.
Sở Y tế Đắk Lắk còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng cách ly ngay tại khu vực biên giới nếu tình hình các nước bạn bùng phát dịch COVID-19.
Nghệ An tạm dừng các dịch vụ Karaoke, Bar
Tối 26/3, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh đã ra công văn số 1787/UBND-VX về việc tạm dưng các hoạt động văn hóa, thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hóa để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn, bao gồm: Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, hoạt động thể dục thể thao tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage, các điểm cung cấp trò chơi điện tử, truy cập internet công cộng,…
Ngoài ra, tạm dừng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng,…
Giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 27/3/2020 cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại.
Tính đến tối nay (26/3), có 2 người quê Nghệ An đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cả hai người này đều được cách ly điều trị ngoại tỉnh. Còn đến thời điểm hiện tại Nghệ An vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính.
Nhà thờ Công giáo ở Đà Nẵng dừng tổ chức thánh lễ tập trung
Chiều 26/3, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân - Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã thông báo đến các tu sĩ và giáo dân việc tạm dừng cử hành thánh lễ tập trung trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp
Theo đó, các nhà thờ thuộc Giáo phận sẽ tạm dừng tất cả các nghi thức cũng như cử hành thánh lễ có tập trung giáo dân từ 0h thứ bảy ngày 28/3 cho đến khi có thông báo mới.
Trong thời gian này, tại các giáo xứ và giáo họ biệt lập, các linh mục vẫn dâng lễ riêng nhưng không có giáo dân tham dự; khuyến khích làm lễ trực tuyến để giáo dân theo dõi tại nhà.
Người Công giáo sắp bước vào tuần Thánh (từ chủ nhật ngày 5/4) với nhiều nghi thức phụng vụ quan trọng để tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chịu đóng đinh đến chết trên thập giá và sống lại - đại lễ Phục sinh.
Để phục vụ các tín đồ, tất cả các nghi thức và thánh lễ trong Tuần Thánh sẽ được phát trực tiếp và lưu lại trên trang mạng của Giáo phận Đà Nẵng.
Các nhà thờ vẫn mở cửa để giáo dân đến viếng và cầu nguyện riêng. Với các thánh lễ an táng, các linh mục chỉ dâng thánh lễ tại nhà giờ của giáo xứ, giáo họ với sự tham dự của một số ít thân nhân, họ hàng gần để tránh tập trung đông người. Đồng thời, kêu gọi người kitô hữu nên siêng năng cầu nguyện, đọc kinh sáng tối, siêng năng tham dự thánh lễ trực tuyến...