Công nghệ UHT chưa phát triển đúng mức

TP - “Việt Nam là nước nhiệt đới nóng ẩm, đường xá đi lại còn khó khăn nên việc vận chuyển, bảo quản thực phẩm còn nhiều bất cập. Chính nhờ công nghệ tiệt trùng UHT mà hàng triệu người dân Việt Nam được tiếp cận nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn”, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo “Công nghệ tiệt trùng UHT - Chìa khóa của vệ sinh & an toàn thực phẩm” diễn ra vừa qua tại TPHCM và Hà Nội.

Hơn 100 chuyên gia bàn về công nghệ an toàn thực phẩm

Thạc sĩ Anna Bergonzini (Tập đoàn Tetra Pak) - chuyên gia về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khẳng định: việc chế biến, đóng gói và bảo quản không đúng quy cách và đạt chuẩn sẽ khiến thực phẩm dễ bị biến chất, hư hỏng, thậm chí gây ngộ độc. Nguy cơ ngộ độc sẽ bị đẩy cao nếu thực phẩm bị nhiễm khuẩn và sử dụng các chất phụ gia, bảo quản… nhiều. Và những nhân tố này có thể tìm thấy dễ dàng ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thực phẩm - đồ uống chế biến theo công nghệ tiệt trùng UHT sẽ được xử lý ở nhiệt độ cao 136 - 140 độ C trong thời gian cực ngắn rồi làm nguội nhanh ở 25 độ C, giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại và giữ lại tối đa dưỡng chất. Sản phẩm thành phẩm sau đó được đóng trong bao bì giấy tiệt trùng 6 lớp trong môi trường hoàn toàn tiệt trùng. Có thể giữ được phần lớn giá trị dinh dưỡng trong thời gian 6 tháng mà không cần dùng chất bảo quản và trữ lạnh.

Công nghệ tiệt trùng UHT được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 1994 nhưng vẫn chưa phát triển đúng mức.

Theo Báo giấy