Công nghệ của kẻ vô lương

TP - Những con buôn vô lương tâm tìm cách “lên đời” thực phẩm thiu thối, biến chúng thành “đặc sản”.

> Bài 1: Chợ trộn heo bệnh, heo lành

“Ăn” hóa chất

Sau 3 ngày nằm trên xe khách đường dài, 1.500 kg thịt heo đã chuyển màu tái xanh, bốc mùi. Bị chặn tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TPHCM, tài xế Nguyễn Văn Hải cho biết, số thịt này được chuyển đến một cơ sở chế biến tại huyện Bình Chánh, “mông má” rồi rải cho các quán ăn.

Kiểm tra địa chỉ 6N1, ấp 3, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện ông Tâm, chủ cơ sở, đã chuyển về đây 500kg thịt heo xuất huyết, biến chất và hôi thối để chế biến.

Ông Tâm nói đặt hàng từ miền Trung đưa vào với giá chỉ 30 nghìn/kg. Để “hóa phép” số thịt thối này, cơ sở của ông Tâm dùng sulfur dioxide pha với nước rồi ngâm thịt.

10 phút sau, số thịt tái xanh, bốc mùi đã được tẩy sạch chuyển sang màu đỏ tươi như thịt heo vừa mổ. Sau khi đánh tan mùi hôi, thịt được ngâm dung dịch borax- loại hóa chất thường được dùng trong hàn kim loại để tạo độ dai và giòn.

Sau đó, thịt được chế biến hoặc cung cấp cho các quán cơm, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp với giá chỉ bằng một nửa giá thịt. Với “công nghệ” này, hàng loạt cơ sở sẵn sàng gom thịt bẩn, thịt heo bệnh trong mùa dịch, trữ trong tủ đông để cung cấp cho thị trường khi khan hiếm với giá cao.

Một lái heo cho biết, sau khi rã đông, dù thịt heo có bốc mùi, lên mốc, nếu được ngâm hóa chất tẩy trắng là “ngon như mới”.

Khi phóng viên hỏi mua chất tẩy trắng để tẩy thịt, nhân viên cửa hàng hóa chất Mười Hồng ở chợ Kim Biên (Q.5, TPHCM) cho biết, có hai loại là H2O2 và NaClO.

“Ngâm 10 phút với hóa chất này thịt sẽ trắng tươi ngay. Chất này dùng để tẩy rửa trong công nghiệp nhưng nó được các cơ sở mổ heo mua nhiều” - người này nói.

Sởn da gà

Chân lợn thối từ Đồng Nai bị trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt giữ.
 

Từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng, khu tập kết lòng bò, lòng heo và phụ phẩm của động vật ở xóm Ba Đình, phường 8, Q.8, TPHCM nhộn nhịp bởi hàng chục thương lái ở các quận trong thành phố và các tỉnh lân cận tới lấy hàng.

Để cho ra đời hàng tấn chân trâu bò, lòng các loại và gân bò… cung cấp cho thị trường, các cơ sở chế biến phụ phẩm này đều “tút” lại bằng hóa chất.

Tại cơ sở ông Kiệt số nhà 90 trong hẻm bến Ba Đình. Trong vai khách, theo chân chủ nhà, chúng tôi thấy đầy hóa chất tẩy trắng, chuẩn bị ngâm lòng, sách bò.

Ông Kiệt chỉ vào 3 chiếc thùng đựng hàng chục ki lô gam sách, phèo phổi bò, heo đang ngâm hóa chất, bề mặt nổi váng, bốc mùi tanh tưởi, nói: “Chuẩn bị có khách tới lấy rồi, hàng từ các lò mổ ở Long An và Đồng Nai mới đưa về thành phố”.

Ông Kiệt nói: “Sau khi lấy hàng, chúng tôi phải đem bỏ tất cả phụ phẩm vào các thùng được chuẩn bị hóa chất tẩy từ trước để ngâm cho hết mùi hôi thối rồi sáng hôm sau đem giao cho khách ở quận 7, 8, Phú Nhuận và các vùng lân cận”.

Đa số mối hàng của các cơ sở nơi đây là các chợ, quán nhậu. Nhiều mối hàng lấy để chế biến cho công nhân.

Cách nhà ông Kiệt khoảng 300m là cơ sở của bà Năm Đen chuyên bán huyết heo, bò tươi sống. Bà Năm Đen nói, số huyết này lấy từ nhiều lò mổ, mỗi ngày cơ sở bán hàng trăm ki lô gam.

“Huyết sống tui bán với giá 30 ngàn một can 30 lít. Còn huyết chín thì bán 4 ngàn/kg. Mấy cô chú yên tâm, huyết này để cả tháng cũng được vì có chất bảo quản rồi”- bà Năm cho hay.

Hỏi chất gì bà Năm nói “mua ở chợ Kim Biên”. Theo người này, để cho tiết đẹp và bóng, bắt mắt khách ăn, thường huyết được tút bằng mỡ heo ở lò heo quay với giá 100 ngàn đồng can 10 lít. Mỡ heo cứ thế đổ vào đống huyết.

Lần theo những chuyến hàng xuất đi từ “bãi tập kết” phụ phẩm động vật ở bến Ba Đình, quận 8 đến các lò chế biến ở tổ 5, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện này phát hiện chủ cơ sở là bà Bùi Thị Ngọc Hậu và nhân viên đang “lên đời” hơn một tấn lòng bò thành khô bò đen để xuất bán.

Số lòng bò này được “phù phép” thành bò khô với sự trợ giúp của đường hóa học, nước, tỏi, muối, bột màu đen cùng hương liệu vị bò khô. Tại hiện trường, số lòng bò chuẩn bị chế biến được bỏ trên nền nhà nhơ nhớp, mùi tanh xông thẳng vào mũi ghê sợ.

Trên các tảng lòng ruồi bám đầy. Theo chủ cơ sở, số lòng này được nấu chín và cắt nhỏ ra, thêm “gia vị” rồi đem phơi khô, sau đó đóng gói và đưa đi bán với giá 200 nghìn/kg.

Công nghệ biến chân gà thối cũng rùng mình không kém. Tại một cơ sở chế biến chân gà ở đường Trường Sơn, quận Tân Bình, nơi được xem là “phố gà nướng” ở TPHCM, chân gà vừa mới nhập về đang để trong thùng xốp loại 50kg, nhiều chân đã bốc mùi, nổi mốc meo.

Tuy nhiên, số chân này ngay sau đó được chủ cơ sở cho vào một thùng nước trắng đục không mùi ngâm tẩm. Khoảng 30 phút sau khi được ngâm với hóa chất, số chân gà này trắng tinh, các vết ố mốc, phân hủy đã bị tẩy sạch.

Rồi vẫn chân gà đó được ngâm với phẩm màu, hương liệu gà đưa ra nướng. Mỗi đêm gần 50 quán gà nướng ở đường này tiêu thụ hơn 200kg.

Theo Báo giấy