Có đổi mới thì mới phát triển
Nhìn lại chặng đường 85 năm qua, ông có suy nghĩ gì về con đường mà Đảng ta đã lựa chọn?
Sự ra đời của Đảng năm 1930 là sản phẩm tất yếu của lịch sử. 85 năm qua chúng ta đã giành được nhiều thành tựu vĩ đại. Trong đó, có ba thành tựu lớn mãi mãi phải ghi nhận, là dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945; thứ hai là giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân Pháp, Mỹ và những kẻ thù xâm lược; và một thắng lợi hết sức to lớn nữa là thắng lợi trong công cuộc Đổi mới, đưa đất nước bước qua khủng hoảng, bước vào chặng đường phát triển mới cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Để có được thắng lợi trên trước hết là do Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ đảng viên tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, phục vụ nhân dân. Mọi cán bộ đảng viên đều rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí… Nếu không có tính tiên phong gương mẫu đó thì có lẽ Đảng không thể lãnh đạo được. Đảng đã có những con người dám xả thân vì dân, vì nước. Trong kháng chiến những người đảng viên cũng sẵn sàng đứng ở mũi nhọn của trận chiến, chấp nhận sự hy sinh.
Bây giờ chúng ta đang trong thời kỳ đổi mới thì càng cần sự hy sinh của đảng viên hơn nữa. Chứ cái gì cũng vơ hết về mình thì không thể có uy tín để mà lãnh đạo.
Thành tựu là hết sức to lớn, nhưng Đảng cũng thẳng thắn nhìn nhận là còn khuyết điểm, hạn chế khi có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống, tham ô, tham nhũng. Theo ông, Đảng cần phải làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng trên?
Trong Di chúc của mình, Bác Hồ nhấn mạnh đến phê bình và tự phê bình trong Đảng. Bác nói công việc trước hết sau khi giành thắng lợi chính là công việc chỉnh đốn Đảng. Sau này thực hiện Di chúc của Bác chúng ta cũng bàn rất nhiều về vấn đề xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Thực tế trong những năm qua Đảng ta không lúc nào coi nhẹ việc trên. Tuy nhiên đây là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, không dễ dàng để có thể ngăn chặn, khắc phục được trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, giờ chúng ta đã đánh giá, đã nhận định được ra và có quyết tâm làm rồi nên tôi tin rằng chắc chắn thời gian tới sẽ có thay đổi.
Và để tạo ra sự thay đổi thì cần phải có giải pháp đồng bộ. Phải có hệ thống pháp luật chính sách chặt chẽ, nhất là trong quản lý, bịt kín những kẽ hở, tăng cường kỷ luật Đảng và sự giám sát của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tu dưỡng rèn luyện bản thân, đẩy mạnh phê bình
và tự phê bình. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh cấy lúa cùng bà con nông dân năm 1960. Ảnh: Mai Nam.
Trong 85 năm qua, chúng ta cũng có những thời kỳ hết sức khó khăn. Nhưng khi chúng ta mạnh dạn đổi mới thì đất nước đã có những bứt phá và đạt được rất nhiều thành công, thưa ông?
Khi đã nói đến cách mạng, lịch sử thì đều phải nói đến đổi mới. Chỉ có đổi mới thì mới phát triển và tiến lên được. Đây là công việc thường xuyên, chứ không phải là một chặng, một công việc cụ thể. Nó là một quá trình. Thời điểm năm 1986, tình hình khủng hoảng, đời sống nhân dân, rồi cơ chế kìm hãm như thế thì chỉ cần chúng ta đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, lập tức tạo ra những bứt phá mạnh mẽ. Hay như năm 1988 chỉ cần một nghị quyết của Bộ Chính trị về giao ruộng đất lâu dài cho nhân dân, lập tức là nông nghiệp được mùa lớn, và chúng ta từ thiếu chuyển thành thừa, có lương thực để xuất khẩu.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có những bứt phá như vậy. Cho nên chúng ta luôn luôn phải hoàn thiện các quy định đang có ở một trình độ cao hơn. Tôi nghĩ suốt từ năm 1986 đến nay chúng ta cũng luôn luôn hoàn thiện các cơ chế quản lý. Ví như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; công nghiệp hóa hiện đại hóa; hệ thống chính sách xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền… Tất cả những cái đó đều đang dần dần được hoàn thiện cho phù hợp và ở trình độ cao hơn.
Cho nên quá trình đổi mới của chúng ta thời gian qua là liên tục theo chiều hướng phát triển có chất lượng, hiệu quả cao hơn. Hiện nay, để tìm ra được một đột phá lớn thì phải suy nghĩ kỹ về chiến lược kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tôi tin là Đại hội XII tới của Đảng sẽ có những quyết sách phù hợp. Ví như hiện nay chúng ta đang phải tập trung làm rõ hơn cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì… Những cái đó, phải làm rõ, chứ cứ nói chung chung thì khó phát triển lắm.
Mở rộng dân chủ để dân giám sát
Hiến pháp cũng đã quy định Đảng chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên hiện nhiều người dân vẫn e dè, và rất thiếu thông tin để giám sát. Theo ông, cần phải có những thay đổi gì để nhân dân thực hiện tốt hơn việc giám sát hoạt động của Đảng?
Ngoài ra, muốn chọn được những cán bộ phẩm chất tài năng thì phải phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Tức là phải lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan, đơn vị, địa phương và công khai quy hoạch. Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Lắng nghe ý kiến nhân dân, lắng nghe giám sát của các đoàn thể về nhân vật cụ thể đó. Mình phải làm đồng bộ những điều đó thì mới lựa chọn được cán bộ có đủ tài đức để phục vụ sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Từ những quy định trong Hiến pháp thì chúng ta phải biến thành các quy định cụ thể. Ví như anh Bí thư chi bộ phải có trách nhiệm báo cáo trước nhân dân như thế nào…Tất cả những cái đó phải quy định ra, chứ không phải là hôm nay hứng lên thì báo cáo, mai không thích thì thôi. Định kỳ người lãnh đạo Đảng ở các cơ quan đơn vị, địa phương phải báo cáo trước nhân dân về những công việc đã và đang làm. Anh có báo cáo, cung cấp thông tin thì dân mới có cái mà giám sát. Do đó phải biến những điều đó thành quy định thì mới đi vào nề nếp, còn không thì chỉ là tự phát, thích thì báo cáo, không thích thì thôi, hiệu quả sẽ rất hạn chế.
Bác Hồ đã dặn phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Dân chủ đó có làm tốt thì mới có hạt nhân làm tốt dân chủ ngoài xã hội. Dân chủ thì mới phát huy được sáng kiến. Khi phát huy được sáng kiến thì người ta làm hiệu quả hơn, hăng hái hơn. Nếu làm được như thế những tiêu cực, hư hỏng trong Đảng sẽ bị đẩy lùi…
Ngoài ra cũng phải thấy rằng, do sống trong thời kỳ phong kiến nhiều nên tâm lý chung của người Việt Nam vẫn là cam chịu, e dè. Ở thời phong kiến dân có được phát biểu gì đâu, vua bảo gì phải nghe đấy. Tâm lý cam chịu, e dè trong phát biểu của nhân dân vẫn còn nặng nề lắm. Cái này cần phải thay đổi dần dần, từng bước.
Vừa rồi, Trung ương lần đầu tiên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi nghiên cứu về các Đảng cầm quyền trên thế giới thì thấy cũng chưa có nơi nào làm cách thức này cả. Đảng ta có lẽ là đảng cầm quyền đầu tiên trên thế giới làm việc trên. Đây cũng là cách thức dân chủ, là bước đột phá dân chủ trong Đảng.
Tuy nhiên về lâu dài theo tôi sau này cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Mình cứ công khai cho toàn Đảng, toàn dân biết. Làm được như thế sẽ là bước tiến lớn dân chủ trong Đảng. Từ đó có cơ sở để đánh giá các cán bộ lãnh đạo hiệu quả hơn.
Năm 2015 cũng là năm chúng ta sẽ tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016. Vậy theo ông, cần phải có cơ chế lựa chọn thế nào để có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo xứng đáng, vừa có đức, có tài?
Muốn có cán bộ giỏi, có đức và có tài thì phải tập trung vào đào tạo, chứ ngồi đó mà đợi thì không có cán bộ giỏi đâu. Để chọn được cán bộ giỏi thì phải đào tạo, đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo và đưa về cơ sở. Có như thế cán bộ mới được rèn giũa, tu luyện cho có bản lĩnh thì mới làm được. Chứ anh chỉ giỏi lý luận, mà không có thực tiễn thì sẽ rất hạn chế.
Ngoài ra, muốn chọn được những cán bộ phẩm chất tài năng thì phải phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Tức là phải lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan, đơn vị, địa phương và công khai quy hoạch. Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Lắng nghe ý kiến nhân dân, lắng nghe giám sát của các đoàn thể về nhân vật cụ thể đó. Mình phải làm đồng bộ những điều đó thì mới lựa chọn được cán bộ có đủ tài đức để phục vụ sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
Cảm ơn ông.