Cuốn sách được Đại tướng trăn trở suốt nhiều năm
Là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công trình, bài viết về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cuốn sách Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản nhiều lần, qua mỗi lần xuất bản lại được Đại tướng và gia đình bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn.
Từ năm 1964 đến nay cuốn sách tiếp tục được bổ sung tư liệu, tái bản qua 8 lần. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024) và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ chín cuốn sách Điện Biên Phủ.
Ấn bản có hiệu chỉnh, bổ sung một số bài viết và tư liệu, sự kiện lịch sử liên quan đến chiến dịch do ông Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng - sưu tầm, tuyển chọn theo di huấn của Đại tướng.
Cuốn sách gồm ba nội dung chính: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mặt trận Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ và Các bài viết về Điện Biên Phủ. Phần Phụ lục cung cấp một số nhật lệnh, thư, lệnh động viên, mệnh lệnh tiến công, báo cáo, lịch diễn biến những sự kiện chính của chiến dịch.
Phần thứ nhất Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mặt trận Điện Biên Phủ gồm sáu bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.
Phần thứ hai Điện Biên Phủ trình bày diễn biến của chiến dịch và phân tích luận giải sâu sắc của tác giả về sự kiện lịch sử vĩ đại này.
Phần thứ ba Các bài viết về Điện Biên Phủ gồm những bài viết, bài trả lời phỏng vấn… của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Con trai Đại tướng thực hiện di huấn
Chiều 3/5 tại Hà Nội, lễ giới thiệu sách Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra ấm cúng, trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ông Võ Hồng Nam chia sẻ nhiều kỷ niệm quý giá trong quá trình sưu tầm tư liệu cho tác phẩm.
Con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ sinh thời Đại tướng luôn căn dặn phải thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử để hoàn thiện tác phẩm.
"Điện Biên Phủ chứa đựng tất cả ý chí chiến đấu, đưa Quân đội nhân dân Việt Nam lên một tầm cao mới. Qua nhiều trận đánh ba tôi luôn dặn các chiến sĩ ghi chép tổng kết, bởi đó là những bài học mà nhân dân ta, quân đội ta đã trả bằng máu. Đó cũng là cơ sở để những trận sau đánh tốt hơn, giành thắng lợi to lớn hơn", ông Võ Hồng Nam kể.
Với vị Tổng Tư lệnh viết là nhiệm vụ, trách nhiệm đối với quân đội, với anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh. Trong quá trình làm nên tác phẩm Điện Biên Phủ, Đại tướng đề cao tinh thần trách nhiệm, tỉ mỉ, đứng trên lập trường khách quan để đánh giá sự thật.
Theo ông Võ Hồng Nam, có những chương được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết đi viết lại nhiều lần. Đặc biệt những trang về bản đồ tác chiến được nghiên cứu rất kỹ.
"Ba tôi dặn các đồng chí, đồng đội ghi lại lịch sử tham gia đấu tranh cách mạng. Thay vì những con số khô khan nên viết về hồi ức, tình cảm của những chiến sĩ, về những thời khắc lịch sử và con người lịch sử. Khi tổng hợp tư liệu cho cuốn Điện Biên Phủ, ba nhiều lần viết thư mời các tướng lĩnh, chiến sĩ tham gia chiến dịch tới để cùng đóng góp, trò chuyện", ông Võ Hồng Nam chia sẻ.
Gia đình Đại tướng cho biết quá trình hoàn thiện tác phẩm cũng gặp một số khó khăn do nguồn tư liệu quá đồ sộ. Đội ngũ biên tập chọn lọc, bổ sung những bài phát biểu của Đại tướng dịp tháng 7/1954 để xây đắp nên cuốn Điện Biên Phủ.
Tại lễ ra mắt, sự xuất hiện của ông Nguyễn Công Dinh - nguyên sĩ quan Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam - khiến nhiều người xúc động.
Ông tham gia chiến dịch từ những ngày đầu tiên, và gần như không bỏ sót một ngày chiến đấu nào.
Người lính Điện Biên năm xưa đã mang bức mật thư của Đại tướng xin ý kiến Bác Hồ chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Ông Dinh không chỉ khâm phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở khả năng chỉ huy quân sự tài ba mà còn ngưỡng mộ sức thuyết phục của Đại tướng với toàn quân khi thay đổi phương châm tác chiến.
"Đại tướng tổ chức đơn vị, xây dựng quân đội một cách khoa học, từ nhỏ đến lớn khiến cả thế giới phải khâm phục", ông Dinh nhớ lại.