Chuyện của những người trong cuộc
Ông Dương Văn Đinh, nhà ở phường Yên Đổ, Pleiku (Gia Lai) nay đã ngoài 70 tuổi, cứ đến tháng 3 hàng năm lại dành cả tuần đi dọc các buôn làng từ Ayunpa đến Ia Pa, Krông Pa (Gia Lai) có khi xuống tận sông Hinh ( Phú Yên) để nghe ngóng, tìm kiếm những đứa con thương yêu của mình. 40 năm rồi, trong lòng người chồng, người cha ấy chưa bao giờ nguôi ngoai khoảnh khắc thất lạc vợ và 3 đứa con thơ dại, 2 trai một gái, đứa bé 3 tuổi, đứa lớn 9 tuổi và đứa giữa 7 tuổi trong cánh rừng bên đường 7.
Ngày 15/3/1975 thị xã Pleiku yên ắng lạ thường. Một người hàng xóm có thân nhân sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa chạy qua nói với vợ chồng ông: Anh Ba nghe gì chưa, Quân Giải Phóng đã chiếm hết Buôn Ma Thuột, đang chuẩn bị vào Pleiku. Các gia đình sĩ quan đã di tản xuống Tuy Hòa để vô Sài Gòn hết rồi. Đường 19 xuống Quy Nhơn đã bị phục kích, cắt rồi không đi được, chỉ còn đường 7. Nhanh đi kẻo muộn. Vậy là gia đình 7 thành viên của ông rồng rắn đóng gói hành trang quá giang một chiếc xe lam của người bạn lên đường. Mới đầu 2 gia đình mười mấy con người chen chúc trên một xe, đi dọc đường nhiều người khác bám theo, đồ đạc vứt dần. Từ Ngã ba Cheo Reo, đoàn người chen nhau đông như kiến cỏ. Nắng tháng ba cao nguyên như đổ lửa, nước hết dần, khát, đói, những đứa trẻ khóc ré song không ai dám xuống suối lấy nước vì sợ bị bỏ lại, thất lạc gia đình. Hành trình kinh hoàng cả ngày lẫn đêm, đoàn người cũng đến được Phú Bổn (nay là thị xã Ayunpa) thì tắc đường, xe không thể đi nữa. Người này truyền tai người kia, chỉ cần vượt qua dãy núi trước mặt là xuống đồng bằng. Thế là ùn ùn dắt nhau vào rừng, đi bộ. Đêm xuống, rừng tối đen như mực, người nọ nắm tay người kia, đoàn người rầm rập. Rồi tiếng máy bay gầm rú trên trời, rồi bom nổ đinh tai. Trẻ con thất lạc cha mẹ kêu khóc thất thanh. Người trúng bom đạn gào khóc thảm thiết, nhưng dòng người đói, khát cứ lê lết tới phía trước. 7 thành viên trong gia đình ông nắm tay nhau mà đi. Lúc đầu đứa bé 3 và 5 tuổi được ba mẹ thay nhau ẵm, cõng nhưng rồi tất cả mệt mỏi rã rời, đành động viên nhau đi. Một tiếng nổ kinh hoàng dội xuống bên cạnh, ông quay lại, vợ và 3 đứa con nhỏ nhất đi sau dạt ra đâu mất! Tiếng kêu la thảm thiết, hỗn độn, không còn nhận ai ra ai. Dòng người sau nhào tới cuốn ông và 2 đứa con lớn còn nắm được tay nhau về phía trước. Ông thất lạc vợ con từ đó. Lúc đầu cứ tưởng sẽ xuống đến đồng bằng, có chỗ tập trung, vợ con rồi sẽ đến. Nhưng đi mãi vẫn luẩn quẩn trong rừng. Đến ngày thứ 3 đoàn người đều mệt mỏi, bơ phờ, đói lả, không ít người đã nằm lại dọc đường. Ba cha con ông và một số người may mắn được bộ đội phát hiện thu gom, cứu đói, cứu khát rồi dẫn ra đường đón xe đưa trở lại Pleiku. Quay về nhà, chờ đợi vợ con, đợi mãi đợi mãi đến ngày Sài Gòn giải phóng đã lâu vẫn không thấy về. Lúc này ông mới nghĩ vợ đã chết đâu đó dọc đường, nhưng các con ông không lẽ cũng chết cả? Vì thế, hằng năm ông mải miết đi tìm, biết đâu có phép màu gặp lại vợ con. Vậy mà đã hơn 40 năm…
Cuộc tháo chạy trên đường 7 ở Phú Bổn năm 1975 (tư liệu từ Internet).
Đổi thay dọc đường 7
Bây giờ đi từ thành phố Pleiku (Gia Lai) về TP Tuy Hòa ( Phú Yên), nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1 đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Phố xá, thị tứ, thôn xóm mọc lên hai bên quốc lộ 25 ( đường 7 cũ). Ngã ba Cheo Reo xơ xác ngày nào giờ đã là đô thị loại 4 - trung tâm huyện lị Chư Sê (Gia Lai). Hồ tiêu, cao su, ngô, sắn và những đàn bò cả trăm cả ngàn con dọc từ Cheo Reo về đèo Chư Sê phủ sức sống lên vùng sỏi đá khô cằn H’Bông. Qua đèo, huyện Phú Thiện hiện ra thật bất ngờ với cánh đồng bất tận mấy chục cây số xuôi về thị xã Ayunpa. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, công trình thủy lợi Ayun Hạ được xây dựng với năng lực tưới 15.000ha đã đẩy những cánh rừng khộp nghèo kiệt của “Vua lửa” vào quá khứ, thay vào đó là màu xanh của lúa nước, mía, ngô và tôm cá. Năm 1992 khi công trình hoàn thành, đồng bào từ các tỉnh phía Bắc nước ta được đưa vào cùng với đồng bào bản địa khai khẩn ruộng đồng xây dựng vùng quê mới trù phú. Phú Thiện bừng dậy hồi sinh, trở thành một vựa lúa trọng điểm của Tây Nguyên.
Đi hết Phú Thiện, trung tâm tỉnh lị Phú Bổn cũ nay là thị xã Auynpa. Chập chững từ thị trấn và một số xã của huyện Ayunpa, trở thành thị xã ở tuổi lên tám, vùng đất pha cát nghèo khó trước đây đang định hướng cho mình mô hình công nghiệp-dịch vụ để xứng danh là trung tâm đô thị của 4 huyện thị vùng Đông- Nam Gia Lai.
Anh Nây Bưng- Bí thư Đoàn xã Ia Rtô đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh các buôn: Buôn Jư Ama Nai, Buôn Phu Ama Nher I… Những con đường bụi đất nhếch nhác lầy lội ngày nào giờ đã bê tông hóa. Những mái nhà sàn từ ọp ẹp tạm bợ, được thay dần bởi những căn nhà kiên cố, xinh đẹp. Ông Đỗ Tiến Đông: Chủ tịch thị xã bảo: Vùng đất này tuy vẫn còn nghèo nhưng bà con người Jrai ở đây có một đặc tính rất đáng quý là chắt chiu dần từng cành cây, tấm gỗ để tích luỹ xây dựng nên những ngôi nhà xinh đẹp, kiên cố. Đô thị nằm ở ngã ba sông (sông Ayun và sông Ba), là trung tâm giao thương kết nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ.
Đèo Tô Na - yết hầu của quốc lộ 25, nơi Quân Giải phóng chặn đường phục kích sư đoàn 23 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu năm nào, nay đã được mở mang, xây dựng để việc đi lại thuận lợi. Dãy núi qua đèo - nút thắt khiến sư đoàn 23 ngụy tan nát, hàng vạn người ách tắc, hàng trăm người bỏ mạng giờ xanh ngát bình yên. Krông Pa (Phú Túc cũ) đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ sự quan tâm đầu tư từ nhiều năm nay của Nhà nước về thủy lợi, điện, đường, trường, trạm. Từ Krông Pa theo quốc lộ 25 xuôi về Phú Yên, đến tận thành phố Tuy Hòa, đường sá giờ nâng cấp mở rộng, xe bon bon thuận tiện. Dấu tích của cuộc rút quân thảm họa, gây hiệu ứng đôminô làm sụp đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền Sài Gòn 40 năm trước giờ sức sống mãnh liệt, tràn đầy.
Cho đến bây giờ không ai thống kê cụ thể số lượng những đứa trẻ thất lạc gia đình, sau tháng 3/1975 được người Jơ Rai ở Phú Bổn, Phú Túc… nuôi chưa tìm được người thân. Không ít người sau này gia đình, cha mẹ tìm được, nhưng họ đã quen với cuộc sống của buôn làng, của cha mẹ nuôi nên không trở về sống chung với mẹ ruột mà ở lại sinh cơ lập nghiệp đất này.