Con chuột máy tính

TP - Năm Mão (2010) tôi nhận được một vế ra thách đối: “Năm mèo bấm chuột gửi meo cho mèo”

Nhìn mặt chữ và đọc lên thành tiếng thấy câu ra thật bình thường. Nhưng khi loay hoay vắt óc nghĩ mãi không tìm được vế đối lại tôi mới thấy vế ra này thật “siêu”. Nó là sản phẩm của thời đại tin học. Chuột đây là con chuột máy tính. Meo đây là thư điện tử (mail) lại đồng âm với tiếng mèo kêu. “Bấm chuột gửi meo” là một thao tác máy tính, nhưng gửi cho “mèo” thì mèo đây lại chỉ bồ bịch. Và hành động ấy lại diễn ra trong năm Mèo.

Vế ra ngỡ đơn giản nhưng hóc hiểm vì sự chơi chữ đồng âm thần tình nói đúng tinh thần thời đại 4.0 khi khắp hoàn cầu kết nối điện tử. Tôi đành chịu bó tay. Gửi vế ra đối này cho mấy bậc cao thủ của ngành chơi câu đối Việt họ cũng lắc đầu. Đành để nó vào kho tàng chung những câu đối nan giải chưa đối được xưa nay, kiểu như “trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn”.

Nhưng từ vế ra đó tôi tẩn mẩn nghĩ đến cái từ “chuột” được lấy đặt cho một thiết bị của máy tính cả để bàn và xách tay. Hẳn là các kỹ sư tin học khi chế tạo thiết bị đó đã nghĩ đến sự linh hoạt của nó vì khi di chuyển và bấm nó thì cái mũi tên trên màn hình sẽ dịch chuyển nhanh, giúp thao tác nhanh các công đoạn làm việc trên máy. Từ sự linh hoạt đó họ nghĩ ra cách thiết kế thiết bị này mang dáng dấp con chuột, một loài động vật nhỏ con và nhanh nhẹn. Nhất là khi nó còn có một đoạn dây nối với máy tính trông như cái đuôi chuột.

Rồi họ đặt ngay cho cái vật có chức năng đó cái tên “chuột” từ tiếng Anh (mouse/mice) và khi máy tính phổ biến lan rộng ra khắp thế giới thì bộ phận đó đều được gọi là “chuột” trong các thứ tiếng. Từ đây “con chuột máy tính” trở thành một động vật thân quen trong thế giới mạng, dù nó không thuộc bộ gặm nhấm.

Theo các tài liệu cho biết, việc sử dụng từ chuột với định nghĩa là một thiết bị điều khiển máy tính sớm nhất là trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 1965: Giới thiệu thiết bị hỗ trợ điều khiển máy tính của Bill English. Người phát minh ra nó, Douglas Engelbart, sử dụng tên này để gọi phát minh của mình vì cái đuôi lòi ra của nó.

Nhân nói chuyện “chuột máy tính” lại biết ơn các kỹ sư tin học Việt Nam. Họ là những người đầu tiên Việt hóa các từ thuật ngữ máy tính khi thiết bị này được nhập vào nước ta. Mỗi bộ phận, mỗi lệnh đặt từ tiếng nước ngoài, chủ yếu tiếng Anh, được họ cố tìm những từ tiếng Việt để chuyển ngữ, sao cho người dùng máy tính dễ hiểu, dễ sử dụng.

Nào chuột, nào màn hình, nào bàn phím, nào hiển thị, nào xóa, nào sao chép, nào dán, nào thực đơn… Cái từ “thực đơn” (menu) lâu nay quen dùng trong ăn uống đã được các kỹ sư tin học mạnh dạn cho vào bảng thuật ngữ máy tính và người dùng lại tập làm quen với nghĩa mới của từ. Sự vật có trước tên gọi. Và để gọi tên những sự vật mới có khi phải dùng lại những từ cũ cấp cho nghĩa mới. “Con chuột máy tính” là vậy.

Từ con chuột sinh ra hai tiếng “bấm chuột” đã thành tên gọi quen thuộc cho một thao tác máy tính. Hay nói theo tiếng Anh là một cú “click” mà đọc xuôi theo tiếng Việt là một cú “kích” chuột. Chỉ cần thế là ta đã nhập vào cả một thế giới bao la rộng lớn không biên giới, giao tiếp với cả với một không gian người trên hành tinh.

Con chuột thực có chạy khắp hang cùng ngõ hẻm thì cũng chỉ trong một phạm vi nhất định, một môi trường sinh sống, trong những giới hạn của khoảng cách. Con chuột ảo dẫn dắt người dùng máy tính đến mọi ngõ ngách địa cầu, mọi xó xỉnh kho tàng tri thức nhân loại, cứ mỗi cú “kích chuột” là ta lại đến được những nơi chốn xa lạ mà gần như trong gang tấc. Chuột di hay chuột chạm thì con trỏ (mũi tên) hiện lên trên màn hình luôn cho ta hồi hộp trông đợi điều ta muốn biết muốn tìm sau mỗi cú bấm.

Con chuột máy tính cũng đã đi vào thơ ca. Trái với chuột thật thường bị gắn với những đức tính xấu xa, tiêu cực và do đó bị ghét bỏ, chê bai, chuột máy tính lại được ca ngợi vì ích lợi của nó. Hai bài thơ tiếng Anh mà tôi dịch ra đây làm lời chuột máy tính nói với con người về sự gắn bó của chuột với người.

Bài thứ nhất của Josie Whitehead:

“Tôi không phải là con vật nhỏ nhút nhát / Luôn tìm cách chạy trốn / Mà là một con chuột bằng nhựa bận rộn / Nằm bên cạnh con người.

Tôi không cần bánh mì pho mát của anh / Để nuôi mình khỏe mạnh / Nhưng như mọi con chuột khác tôi phải săn tìm / Một ngôi nhà để trú ngụ.

Tôi thường nghe mọi người nói / Chó là bạn tốt nhất của con người / Đó là điều không đúng vì chắc chắn / Tôi chiếm trọn thời gian của chủ tôi.

Người và chuột gần gũi nhau thế / Là điều vượt quá sức tưởng tượng / Vì chó hay mèo phải lên thiên đường / May ra mới được chú ý vậy.”

Bài thứ hai của Darsh Doshi:

“Click click click… và tôi mở một folder mới / Lại click tôi và xóa đi những folder cũ / Click tôi bên trái hay bên phải / Click tôi để mở một trang.

Cuộn tôi lên hay cuộn tôi xuống / Anh là chủ của tôi, tôi là tên hề của anh / Chỉ lướt nhẹ ngón tay là đủ với tôi / Và tôi cũng có thể được đặt làm nút thứ ba.

Dù tôi là tên hầu của anh, tôi cũng có tên hầu của tôi / Kẻ thực hiện mỗi mệnh lệnh mà tôi ném ra / Anh chuyển động tôi và trên màn hình nó cũng chuyển động / Con trỏ tuân theo các lệnh anh đưa ra.”

Vậy là thời 4.0 tin học hóa mọi lĩnh vực cuộc sống vẫn có một con chuột hàng ngày bên ta, giúp ta ngồi một chỗ mà nối thông muôn nơi. Và vế ra đối nêu trên chắc phải chờ đến khi trí tuệ con người phát minh ra những thiết bị tin học mới có những bộ phận được gọi tên bằng các con vật thân thuộc hàng ngày thì may ra mới có thể đối lại được.