Cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam: Tài sản nhà nước có thất thoát?

TP - Trước những căng thẳng ngày càng đi đến đỉnh điểm, ngày 19/9, Tổng công ty Vận tải thủy - Cổ đông chiến lược của VFS đã tổ chức buổi đối thoại với tập thể nghệ sỹ, đạo diễn, cán bộ của VFS. Rất tiếc lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch không có mặt và sự việc vẫn rơi vào “ngõ cụt”.
Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch Vivaso bị phản ứng gay gắt.

Nhà hát thành quán karaoke, diễn viên thành tiếp viên?

Trong không khí oi bức ngột ngạt chiều 19/9, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) đã đối thoại “nóng” với cán bộ công nhân viên Công ty Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Hai vấn đề chính được nêu ra là: Việc thực hiện lời hứa của chủ đầu tư sẽ tiếp tục làm phim, lấy doanh thu chính từ phim có làm hay không? Sau đó, đất “vàng” mặt hồ Tây sẽ dùng làm gì?

Chia sẻ với Tiền Phong, đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc, anh bỏ vốn vào kinh doanh phải hiểu rất kỹ, cổ phần vào mà không biết gì về điện ảnh thì anh sẽ làm gì?Muốn vực dậy nền điện ảnh mà lại chà đạp lên nghệ sỹ thì làm được gì? Anh em đã đưa ra rất nhiều phương án nhưng tất cả đều bị gạt đi do không có chi phí. Chúng tôi hoàn toàn bất lực bởi chủ trương của Bộ VHTT&DL, chúng tôi không có gì trong tay để chiến đấu, ngay như tiền lương cũng không có.

Đạo diễn Tuấn lo ngại, đây sẽ là tiền lệ xấu để các DN khác thi nhau vào cuộc đua cổ phần hóa. Như Nhà hát Tuổi trẻ (đường Ngô Thì Nhậm) đã từng có phương án cổ phần hóa, Nhà hát kịch Việt Nam (phía sau Nhà hát Lớn) cũng vậy… Điều đó rất dễ xảy ra vì sân khấu đang trì trệ, như thế Nhà hát Tuổi trẻ vị trí đẹp sẽ làm quán karaoke, còn diễn viên đi làm tiếp viên chăng?!

Để góp ý cho Ban lãnh đạo Công ty về làm phim, khối nghệ thuật (gồm các phòng Biên kịch, Quay phim, Đạo diễn…) đã đề xuất nhiều phương án như: thành lập Hội đồng cố vấn nghệ thuật, lập công ty con để sản xuất phim, mua giờ hoặc kênh sóng truyền hình để tạo việc làm do Công ty có nguồn nhân lực, máy móc…Tuy nhiên, Ban lãnh đạo và nghệ sĩ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Giải đáp về chuyện chi trả lương, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng: “Các anh đã làm dưới sự bao cấp quá lâu, làm gì có chuyện một người 2, 3 năm không đến cơ quan mà vẫn được hưởng lương 100%, đóng cả bảo hiểm. Chưa kể phải dành cho phòng làm việc, mỗi phòng làm việc phải trả là hơn 3 triệu đồng/người.”. Ông Thủy Nguyên cho biết, phía công ty vẫn đang nghiên cứu kịch bản để làm phim, nhưng không thể bỏ tiền tỷ để làm phim chỉ có vài người xem...

Về định hướng sử dụng khu đất “vàng”, lãnh đạo Cty Vivaso khẳng định: Trong ngắn hạn, khu đất mặt đường Thụy Khuê (nơi dồn các phòng ban) sẽ được cải tạo lại để trao băng rôn quảng cáo, giới thiệu hãng phim cũng như các sản phẩm, đạo cụ của hãng để tận dụng công cụ sẵn có. Phía trong sẽ được xây dựng làm các cụm rạp chiếu phim, giới thiệu phim, quảng cáo phim…

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bức xúc vì Hãng không có định hướng làm phim sau cổ phần hoá.

Thiếu minh bạch cổ phần hóa?

Mầm mống của những xung đột đang bùng phát giữa Vivaso - Cổ đông chiến lược với các nghệ sỹ, đạo diễn, quay phim Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là việc Bộ VHTT&DL đã lựa chọn doanh nghiệp vốn chỉ có kinh nghiệm làm vận tải thủy nắm giữ 65% cổ phần ở một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là điện ảnh đã dẫn đến bất đồng quan điểm không thể giải quyết. Đạo diễn Quốc Tuấn tái khẳng định, quá trình cổ phần hóa không minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không phù hợp chính là gốc của mọi vấn đề nên cần phải làm sáng tỏ tránh hệ lụy về sau.

Trao đổi với PV Tiền Phong, NSND Nguyễn Thanh Vân trăn trở, theo cam kết được nhà đầu tư đưa ra, mỗi năm sẽ dành 20% vốn điều lệ để anh em đạo diễn, biên kịch…làm phim. Với khoảng 10 tỷ mỗi năm, liệu có đủ kinh phí làm những bộ phim chất lượng, chứ chưa nói đến tham vọng vực dậy thương hiệu Hãng phim như bức tranh nhà đầu tư vẽ ra.

Từ nhiều tháng qua, nhiều câu hỏi của tập thể các nghệ sỹ, đạo diễn VFS chưa có lời giải đáp. Cụ thể như: về quy trình lựa chọn Vivaso làm nhà đầu tư chiến lược? Vì sao Bộ lại chấp thuận với phương án 1 năm làm 2 phim, trong khi VFS có 10 đạo diễn? Vì sao định giá trị thương hiệu, lợi thế đất đai bằng không đồng?. Tuy nhiên, đến nay, Bộ VHTT&DL chưa có động thái nào giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, trong khi Bộ là đơn vị chủ quản và vẫn nắm giữ 20% phần vốn nhà nước. Thậm chí, tại buổi đối thoại “nảy lửa” cũng không có đại diện nào của Bộ góp mặt.

Tài sản nhà nước bị thất thoát?

Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần, tài sản là đất của VFS đã bao gồm 4 lô đất. Ở Hà Nội có 3 lô: 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, hình thức sở hữu là thuê đất trả tiền hàng năm, đất đã thuê hơn 50 năm; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa - hình thức sở hữu là giao đất. VFS có một lô đất 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM - hình thức sở hữu thuê đất của nhà nước.

Tuy nhiên, khi định giá trị doanh nghiệp, đơn vị tư vấn cho VFS lại tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của VFS bằng không đồng, kết quả định giá được Ban cổ phần Bộ VHTT&DL phê duyệt.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia kinh tế cho biết, việc định giá lợi thế đất đai, quyền sử dụng đất bằng không, nhất là những khu đất vàng là không đúng quy định, có thể làm thất thoát tài sản nhà nước.