Cơ hội vàng

TP - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội khi mới đây lại được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.

Với tổng kinh phí ước tính lên đến gần 68 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là siêu dự án có vốn đầu tư "khủng" nhất từ trước đến nay được xem xét triển khai tại Việt Nam. Vì lẽ đó, chúng ta không ngạc nhiên khi vẫn còn ý kiến hoài nghi, chưa đồng tình thực hiện dự án trong giai đoạn này, khi nền kinh tế chưa thực sự hồi phục, nợ công quốc gia sắp chạm trần. Đặc biệt là đường sắt đạt tốc độ 350 km/h phải ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, các yêu cầu kỹ thuật vô cùng phức tạp, khắt khe, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao không chỉ làm thay đổi căn bản và toàn diện bộ mặt của ngành đường sắt mà còn là “cuộc cách mạng, thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng Việt”. Theo nhiều chuyên gia, dự án không quá khó về mặt công nghệ xây dựng hạ tầng. Hiện nay các nhà thầu Việt đã tự chủ được phần xây dựng hạ tầng đường, cầu hầm, tà vẹt bê tông.

Các doanh nghiệp ngành giao thông trong nước đã đóng mới được toa xe khách, toa xe hàng với tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 80% và 70%. Đầu máy tàu được đóng mới, đã có tỷ lệ nội địa hóa hơn 10%. Nhiều doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sản xuất các chi tiết cho tàu hoặc liên danh với nước ngoài chế tạo như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu...

Khi triển khai dự án, ngành đường sắt sẽ được nhận chuyển giao các công nghệ sản xuất toa xe, chế tạo trục bánh xe, hệ thống hãm, giá chuyển hướng... Nếu được chuyển giao thích hợp, Việt Nam có khả năng từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, duy tu, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao.

Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt vào siêu dự án này không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động cả ba miền mà có thể kéo giảm kinh phí đầu tư của dự án. Những va vấp khi triển khai các dự án đường sắt đô thị ở TPHCM và Hà Nội thời gian qua là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác quản trị dự án nếu đường sắt tốc độ cao được Quốc hội phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện.

Xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao đã được ấp ủ từ những năm 2000 khi đường ray xe lửa khổ 1.000 mm ngày càng lạc hậu. Với hành trình từ Hà Nội - TPHCM, người dân chỉ mất 5 giờ 30 phút thay vì ít nhất là 30 giờ như hiện nay. Về hiệu quả: chi phí đi lại cho xã hội giảm khoảng 6,5 tỷ USD vào 2050.

Dự án từng được trình Quốc hội vào năm 2010 song buộc phải dừng vì nguồn lực đầu tư khi ấy còn hạn chế, Việt Nam vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo và đứng trước bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, thế và lực của Việt Nam hiện nay đã khác. Chúng ta có thể hiện thực giấc mơ "ăn sáng Hà Nội, ăn trưa ở Huế, ăn tối tại TPHCM".