Từ giữa tháng 5, Huỳnh Thị Trúc Ly (30 tuổi, quê Phú Yên, ngụ quận 1, TPHCM) tạm nghỉ công việc giáo viên mầm non do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID. Trong thời gian giãn cách xã hội, Trúc Ly có nhiều thời gian quan sát cuộc sống xung quanh hơn.
Những ngày đầu, Ly xách theo những phần cơm, trái cây đi bộ loanh quanh khu vực lân cận nơi mình ở để tặng những người khó khăn trên đường đi. Dần dần, Ly chạy xe đạp để đi được quãng đường xa hơn.
Trúc Ly cho biết, thời gian đầu cô bỏ tiền túi mua quà, nhưng sau khi đăng tải hình ảnh và thông tin về việc mình làm trên trang cá nhân thì được bạn bè, người quen hoan nghênh và ủng hộ thêm kinh phí để duy trì hoạt động thiện nguyện. Trong đó, nhiều người nước ngoài thấy Ly giúp một cách tận tâm, chu đáo nên đã tiếp thêm nguồn lực cho cô.
“Mình đăng những hình ảnh, video đi tặng quà trên mạng để vừa lưu lại kỷ niệm mùa dịch, đồng thời cũng mong muốn tất cả bạn bè biết rằng khi mình cho đi thì đều rất hạnh phúc và cũng là để khơi dậy lòng trắc ẩn, thương người của họ”, Trúc Ly chia sẻ.
Quả thực, từ những bài đăng về các hoàn cảnh mà Ly bắt gặp trên đường, nhiều Mạnh thường quân trẻ tuổi đã kết nối để giúp từng trường hợp khó khăn cụ thể (cô bán chè, người nhặt ve chai ở đường này, khu phố kia…). Việc kế tiếp là cô gái này mang tình thương của Mạnh thường quân đến trao lại cho người nghèo khó. “Như vậy sự giúp đỡ mới bền vững, một mình mình chẳng thể nào đủ sức lực, vật chất để làm được trọn vẹn. Mọi sự giúp đỡ đều là sự cộng hưởng của nhiều vòng tay, tấm lòng”, cô gái xứ Nẫu trải lòng.
Luôn năng nổ giúp đỡ mỗi khi thấy ai đó ngặt nghèo, nhưng Ly không đăng số tài khoản lên mạng để quyên góp bởi cô muốn sự chia sẻ đến từ cảm xúc và cái duyên trong mỗi trường hợp mình giúp. Mỗi khi gặp một trường hợp khó khăn, cô gái trẻ hay trò chuyện, hỏi thăm cặn kẽ để biết được hoàn cảnh thật sự và điều họ cần giúp là gì.
“Khi đi nhiều, gặp gỡ nhiều, mình thấy có duyên với những số phận. Và rồi mình thật sự vỡ òa cảm xúc khi gặp được một người mình mong mỏi tìm kiếm để giúp đỡ từ trước đó cả tháng”, Trúc Ly bày tỏ.
Chia sẻ với Tiền Phong, Trúc Ly cho biết từ chính hành trình chia sẻ và kết nối trên mạng, cô bạn đã tìm được thân nhân cho khá nhiều người. Từ những hình ảnh, bài viết trên mạng xã hội, nhiều bạn đã nhắn báo Ly rằng “chị ơi đây là người em biết, là người hồi xưa từng ở trọ với em", hay "đây là cô, là cậu em", "cho em xin địa chỉ người đó để em đến hỗ trợ, giờ cuộc sống em khá lên rồi...". Hiện tại Ly đang khao khát tìm người thân cho một cụ ông đã gần 90 tuổi ở khu vực công viên 23/9. Cụ ông bị thất lạc vợ và 4 người con. Trong thời gian giãn cách xã hội, Ly hay lui tới tặng quà và tiền cho cụ.
"Mình thấy hạnh phúc sau hành trình mấy tháng đạp xe dưới trời nắng. Và có động lực để mình làm suốt mấy tháng qua. Mình muốn rằng các bạn trẻ hãy suy nghĩ, hãy nhìn người khó khăn bằng một cái nhìn đồng cảm", Ly bộc bạch và cho biết, sau khi theo dõi hành trình của cô trên mạng, nhiều bạn trẻ ngỡ ra rằng cần phải tiết kiệm tiền hơn, hay dành một buổi tối nào đó đi phát đồ ăn cho những người nghèo, có những bạn bi quan trong cuộc sống nay đã suy nghĩ tích cực hơn...