“Chị sống, em sẽ làm với chị”
Tốt nghiệp khoa Luật (Trường ĐH Đà Lạt), khi Nguyễn Thủy Tiên đang làm trợ lý giám đốc của một khách sạn Pháp. Khi chị gái Tiên bị ung thư vú, cả gia đình cô chao đảo, Tiên bỏ tất cả ra Hà Nội chăm sóc chị. “Trước khi phát hiện bệnh của chị, tôi đang sống, học tập tại Đà Lạt. Gia đình không có khả năng chu cấp nên tôi vừa đi học, vừa đi làm. Tôi mê thành phố Đà Lạt vì cuộc sống và con người hiền hòa. Tôi quyết định sẽ lập nghiệp nơi đây, mua nhà cửa, đưa bố mẹ vào sống cùng. Kết quả xét nghiệm của chị Thương đã thay đổi không chỉ cuộc đời chị tôi mà cả cuộc đời tôi. Tôi đã quên đi Đà Lạt, quên đi ý định lập nghiệp, xây dựng cuộc sống ở đó”, Thủy Tiên nghẹn ngào.
Những ngày cùng chị gái chiến đấu lại căn bệnh quái ác, Tiên không khỏi hoang mang khi cả gia đình cô thiếu thông tin và phải vất vả tìm hiểu từng giai đoạn chữa trị. Từ việc tìm kiếm thông tin giúp chị và những bệnh nhân khác cùng cảnh ngộ, Tiên nhận ra chưa có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú. Bằng sự nỗ lực, 2 chị em Thương Sobey và Thủy Tiên đã sáng lập và điều hành dự án “Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam”.
“Tôi nói chị còn sống em sẽ làm công việc này với chị, nhưng chị mất, em sẽ ngừng lại. Tôi nói thế để chị biết chăm lo cho sức khỏe của mình. Nhưng chị vẫn làm, còn làm nhiều hơn, thế là tôi không thể đứng ngoài cuộc”.
Nguyễn Thủy Tiên quản lý và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam - BCNV) chia sẻ.
Giải thích về bước ngoặt đến với BCNV và các hoạt động chống ung thư vú tại Việt Nam, Thủy Tiên kể: “Trước khi chị Thương phát hiện bệnh, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bỏ nghề luật để tham gia vào những hoạt động cộng đồng phi lợi nhuận. Khi nhìn thấy chị bệnh nhưng vẫn lao đầu vào làm những công việc gây dựng Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam với mục tiêu giúp đỡ những phụ nữ bị bệnh giống mình và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, quên cả lo cho chính mình, tôi và cả gia đình đã phản đối. Tất cả chúng tôi quyết định không giúp chị, để mặc chị một mình, may ra chị sẽ bỏ cuộc. Tôi nói chị còn sống em sẽ làm công việc này với chị, nhưng chị mất, em sẽ ngừng lại. Tôi nói thế để chị biết chăm lo cho sức khỏe của mình. nhưng chị vẫn làm, còn làm nhiều hơn, thế là tôi không thể đứng ngoài cuộc”.
Để thể hiện tinh thần sát cánh bên cạnh chị gái trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, Thủy Tiên đã quyết định cắt tóc: “Một trong những ám ảnh nhất của phụ nữ bị ung thư là tóc sẽ rụng hết khi vào hóa chất. Tôi biết rằng điều đó sẽ đến với chị gái của mình và tôi quyết định cắt tóc. Tôi cắt tóc vào một ngày thu Hà Nội rất đẹp, khi đang trên đường đi đâu đó. Tự dưng tôi quyết định và vào tiệm cắt tóc. Bước ra khỏi tiệm cắt tóc tôi nghe gió thổi rất mát trên da đầu mình và tự dưng nước mắt tôi rơi lã chã.
Khi về đến nhà, chị Thương nhìn thấy tôi và mỉm cười. Chỉ có mẹ tôi là khóc, vì nhìn thấy hai chị em tôi, mẹ đau lòng. Rất nhiều lần mẹ khuyên tôi để tóc lại, bà sợ tôi không có người yêu, không lấy được chồng. Mẹ tôi còn khóc vì những định kiến của người đời, có người nói thẳng với mẹ tôi: Nhà có đứa con tử tế, sao để cho nó làm như vậy? Chắc con này ăn chơi lắm”, Thủy Tiên tâm sự.
Tiếp nối ước mơ của chị
Nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng, chị em Nguyễn Thủy Tiên tổ chức sự kiện “Ngày chiếc nơ hồng” cho bệnh nhân ung thư vú vào tháng 10 hằng năm, lần đầu tiên vào năm 2013 thu hút hàng nghìn người tham gia. Hai chiến dịch lớn nhất thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia như “Vượt qua nỗi sợ hãi” (2013) và “Mạnh hơn sợ hãi” (2014) với nhiều hoạt động như: hội thảo, đạp xe diễu hành, hội chợ gây quỹ, các hoạt động xây dựng các câu chuyện của bệnh nhân ung thư vú qua các bức ảnh (photo voice), kể chuyện bằng video (video story) và ghi lại các chia sẻ của người bệnh, người thân của họ (chia sẻ chỉ bằng giọng kể) khiến cả xã hội quan tâm.
Chiến dịch Ngày hội Nơ hồng năm 2015 với chủ đề Gia đình là điểm tựa, bao gồm các hoạt động như vận động các tình nguyện viên cạo đầu, ngày hội nón hồng, áo lót màu hồng đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng người ung thư vú.
Tháng 3/2015 sự ra đi của Thương Sobey đã khiến báo chí và tốn không ít giấy mực. Sau cú sốc này, Thủy Tiên đã mạnh mẽ vượt qua và hứa giúp chị gái mình thực hiện ước mơ: “Chị ấy ra đi nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc của chị, thắp hy vọng cho nhiều bệnh nhân khác”, Thủy Tiên nói.
Năm 2014, BCNV được công nhận là một thành viên của Tổ chức kiểm soát ung thư toàn cầu (UICC). với nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân ung thư như: Cho mượn miễn phí tóc giả trong thời gian hóa trị; tặng miễn phí hàng chục bộ vú giả cho những người phẫu thuật đoản một hoặc hai bên, để chạy thử nghiệm (Các sản phẩm này được một Cty sản xuất vú giả ở Úc hỗ trợ thiết kế và tài trợ). Và hàng ngàn người trẻ được cung cấp miễn phí, cung cấp các thông tin về ung thư vú miễn phí thông qua các hoạt động của chương trình.
Tháng 1/2016, Thủy Tiên lọt danh sách 30 Under Forbes của Việt Nam, Tiên chia sẻ: “Tôi đã ước gì chị gái tôi còn sống để biết tôi được Tạp chí Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách 30 gương mặt trẻ tài năng Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2016. Đây không phải sự ghi nhận cho cá nhân tôi, mà cho cả sự nỗ lực của chị gái tôi trong thời gian còn sống với sự góp sức của hàng trăm cánh tay tình nguyện - Mạng lưới ung thư vú Việt Nam”.
Nói về dự định của mình, Thủy Tiên chia sẻ: “Tôi nghĩ đến chuyện năm sau để tóc lại, tóc tém và nhuộm màu hồng, màu biểu tượng của căn bệnh ung thư vú. Trong năm 2016, tôi cũng Mạng lưới ung thư vú Việt Nam ấp ủ triển khai hoạt động hỗ trợ “Thư viện áo lót và miếng đệm” dành cho người phẫu thuật đoản ngực. trong thời gian tới, tôi đang tìm kiếm và mong muốn đạt được học bổng ở nước ngoài về quản trị phát triển để nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, vận hành tổ chức và các kỹ năng thiết yếu trong ngành truyền thông, PR và marketing của doanh nghiệp xã hội, góp phần duy trì sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững cho Mạng lưới”.
http://www.tienphong.vn - Mời độc giả tham gia bình chọn ✔
Posted by GƯƠNG MẶT TRẺ VIỆT NAM TIÊU BIỂU on 26 tháng 2 2016