Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương:

Có 'chuyến tàu vét' xảy ra trước Đại hội 12 chỉ 5 ngày

TPO - Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, việc ban hành quy định trách nhiệm nêu gương nhằm khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tranh thủ những “chuyến tàu vét”. Bởi thực tế có những “chuyến tàu vét” diễn ra trước Đại hội 12 của Đảng chỉ có 5 ngày.
Ông Nguyễn Đức Hà

Ngày 20/3, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống”. Tham dự buổi trực tuyến có: ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương; Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí cộng sản…

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, nếu cán bộ cấp cao gương mẫu thì sẽ tạo động lực lớn và ngược lại, cán bộ cấp cao hành động xấu thì tác động ghê gớm, làm suy giảm niềm tin vào Đảng của nhân dân.

“Vừa rồi, một số cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý nghiêm và thích đáng đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Nhìn chung, nêu gương phải trở thành tự giác, thường xuyên, có nề nếp hàng ngày; đồng thời phải luôn xác định phải làm tốt những việc mình làm để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua", ông Hà nói.

Ông Hà khẳng định, vai trò của cán bộ cấp cao có tác động đến cả nước thậm chí cả quốc tế, do đó, hơn lúc nào hết phải đặc biệt đề cao trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt, theo ông, việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa sâu sắc hơn là khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, xử lý cán bộ đảng viên có “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “tranh thủ chuyến tàu vét”.

Thực tế theo ông Hà đã có những “chuyến tàu vét” xảy  lúc “gà lên chuồng”. Cụ thể như vụ AVG, diễn ra trước Đại hội 12 của Đảng chỉ có 5 ngày. Vì sau Đại hội 12 là lúc nhiều nhân sự, bộ trưởng mới sẽ bị thay thế. "May mà “chuyến tàu vét” đó cuối cùng đã bị phát hiện, xử lý và không đến được sân ga”, ông Hà nói.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương cho rằng nên phát động xây dựng văn hóa từ chức, nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.

“Quốc hội đã nêu ra vấn đề “từ chức” nhưng phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị. Do đó, xây dựng văn hóa từ chức để những cán bộ, đảng viên thấy mình không xứng đáng thì thực hiện”, ông Vinh nói.