Ông thày tu (trước là thày tu, sau thành một chiến binh nhà nghề với hàm Thủy sư Đô đốc) ông Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) từ Pháp trở lại Việt Nam.
Hiệp định Sơ bộ đã được Xanh-tơ-ni (Sainteny), Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam theo sự chỉ đạo của tướng Lercler, Tổng chỉ huy quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương, ký với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 ngay sau đó cũng được chính phủ Pháp phê duyệt.
Đác-giăng-li-ơ choáng váng trước cú ra đòn khôn khéo bất ngờ của Hồ Chí Minh. Đác-giăng-li-ơ buộc phải chấp nhận việc đã rồi.
Nhưng tay tướng nhà binh cáo già này đã trù liệu những mưu mô mới với cái đích quân đội Pháp sẽ bóp chết chính quyền Việt Minh non trẻ!
Viên Đô đốc đề nghị có cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn thảo việc thực thi Hiệp định và cũng để chứng tỏ ông ta mới là người đại diện cao nhất của nước Pháp ở Đông Dương.
Có lẽ ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã lần đầu tiên được ngân vang ở Bắc Bộ phủ vào cái ngày 19/5 đáng nhớ ấy.
Thể theo lời đề nghị, Hồ Chủ tịch đã đến Vịnh Hạ Long gặp Đác-giăng-li-ơ.
Hậu thế phải cảm ơn một người tâm phúc giúp việc cho Bác Hồ là Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã để lại cho hậu thế những dòng hồi ký cực kỳ giá trị.
…“Đầu buổi chiều ngày 24/3/1946, một thủy phi cơ đã đón Bác đi vịnh Hạ Long, có Xanh-tơ-ni hộ tống. Đi giúp Bác có tôi (Hoàng Minh Giám) anh Vũ Đình Huỳnh và Nguyễn Tường Tam.
Chiến hạm Emile Bertin, trang trí cờ quạt lộng lẫy. Đô đốc Đác-giăng-li-ơ, quân phục đại lễ, đông đảo quan chức văn võ và một đơn vị lính thủy, đã xếp hàng chỉnh tề đón Bác.
Kèn chào nổi lên hoan nghênh vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đác-giăng-li-ơ giới thiệu các quan khách có mặt. Đa số các nhân vật đó là những công chức thuộc địa Pháp cao cấp (công sứ, thanh tra mật thám…) tập hợp xung quanh Đác-giăng-li-ơ.
Đác-giăng-li-ơ mời Bác tiến tới vài chục bước, để từ trên boong tàu Emile Bertin xem cuộc “diễu binh” trên biển của hạm đội Pháp (gồm năm, sáu chiến hạm) chào mừng Bác. Nhiều loạt đại bác nổ vang. Rồi các chiến hạm diễu qua, quân lính trên các chiến hạm hô vang theo nhịp điệu của quân nhạc…
Xong cuộc duyệt binh, Đác-giăng-li-ơ mời Bác dự một tiệc trà nhẹ, ngắn với toàn thể quan khách, rồi sau đó mời Bác đến “phòng khách danh dự” để đàm thoại về vấn đề thi hành các điều khoản của Hiệp định sơ bộ 6/3.
Phát biểu trước, Bác nhắc Đác-giăng-li-ơ chú ý việc thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản nói về trách nhiệm của hai bên phải đình chỉ ngay chiến sự ở miền Nam Việt Nam, quân đội mỗi bên đóng ở đâu phải ở nguyên đó. Nếu chiến sự tiếp tục như hiện nay, thì tất nhiên không thể tạo nên không khí thuận lợi cho “cuộc đàm phán hữu nghị và chân thành” được nêu lên trong Hiệp định sơ bộ.
Đác-giăng-li-ơ không đáp lời Bác, không tranh luận, mà đứng dậy, một cách long trọng, xoa tay và nói:
- Thưa ngài Chủ tịch, tôi xin lưu ý Ngài một điều: xin Ngài đừng gọi tôi là “Ông Đô đốc”, mà gọi tôi là “Ông Cao ủy”.
Tôi sực nhớ rằng từ lúc đặt chân lên chiến hạm Emile Bertin, Bác chưa hề gọi Đác-giăng-li-ơ là “Ông cao ủy”.
Tôi chợt hiểu thâm ý sâu xa của Bác. Không phải nước Pháp muốn cử ai sang làm đại diện ở Việt Nam là Chính phủ ta cũng phải chấp nhận ngay. Bác chỉ đồng ý gọi Đô đốc Đác-giăng-li-ơ là ông Cao ủy sau khi ông này trịnh trọng đề nghị” (Hết trích)
Chỉ là một cuộc gặp xã giao, nhưng giông tố chất chứa trong màn mây tưởng bình yên. Rồi Đác-giăng-li-ơ, bắn tin lại đích thân lên… chào Hồ Chí Minh ngay tại Hà Nội!
Na ná như thứ tương kế tựu kế! Vị thực dân cáo già Đác-giăng-li-ơ này đến Hà Nội quá đỗi hân hoan những tưởng cờ hoa giăng giăng thế kia là dành cho mình, một Cao ủy Pháp quốc!
Chiều tối 18/5, các tướng tá Pháp gồm Đác-giăng-li-ơ, Va-luy, Crê-panh đến Bắc Bộ phủ để chào Hồ Chủ tịch theo nghi thức ngoại giao. Chừng như sử dụng nhuần nhuyễn câu của cổ nhân tiếu lý tàng đao (gươm kiếm ẩn trong nụ cười) lập trường thực dân, hiếu chiến, muốn thương lượng trên thế mạnh, chia cắt Nam bộ ra khỏi Việt Nam, phái đoàn Pháp vẫn diễn rất đạt màn kịch giao hảo hữu nghị Việt - Pháp.
Sau này, trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rất sống động cuộc gặp gỡ này.
“Cụ Huỳnh, Cụ Tố và một vài anh em chúng tôi cùng dự buổi tiếp khách với Bác. Khi nâng cốc chúc mừng ông Cao ủy, Bác nói: Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp. Cuộc bang giao Việt - Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới” (Hết trích)
Có lẽ chỉ khi Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhỏ với viên Cao ủy Đác-giăng-li-ơ rằng bữa nay là ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cao ủy mới thoáng cái giật mình. Cái cười của ngài Cao ủy hình như không được tươi tắn cho lắm.
“Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ, và tôi tin rằng từ đây, tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa”.
Đoàn Pháp đã lui (nhưng thực sự mãi đến tháng 3/1947, Chính phủ Pháp cử Bollaert làm Cao ủy quân Pháp ở Đông Dương, thay cho Đác-giăng-li-ơ bị triệu hồi về Pháp.
Sáng 19/5, đầu tiên là các vị trong Thường vụ Trung ương và Chính phủ. Các ông Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Cụ Nguyễn Văn Tố… quây quần bên Người trong tình cảm ấm áp.
Rồi các em thiếu nhi theo nhịp trống ếch từ Ấu trĩ viên (nay là Nhà văn hoá thiếu niên) tiến vào Bắc Bộ phủ. Em Nga 8 tuổi lên chúc thọ Bác trong khi các em khác thi nhau gắn huy hiệu “Măng non mọc thẳng” lên ngực áo Bác, kính tặng Bác tập bài hát và Điều lệ Hội Nhi đồng cứu quốc. Có một cây bách tán xanh tươi (quà của Ủy Ban hành chính thành phố Hà Nội) Bác đem tặng ngay cây bách tán cho các em và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cái cây sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!
Tiếp đó, đại biểu các ngành, các giới, các đoàn thể, tôn giáo, đại biểu Nam bộ, Vệ quốc quân, Ủy ban bảo vệ Thành Hoàng Diệu… đến chúc thọ Bác. Khi đoàn đại biểu Nam bộ đến, Người đứng lên cảm động: “Tôi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả; mà trước các anh, các chị, trước cảnh yên vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình”.
(Còn nữa)