Kỳ 1: Giai thoại
Hồ Ea Kao mang vẻ đẹp mộc mạc nằm ở ngoại ô thành phố Buôn Ma thuột. Hồ được hình thành từ việc chặn các dòng suối Ea Kao, Ea Knin, Cư Mblim, Ea Chăt…để xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho lúa và cà phê. Hồ nước hiền hòa, xanh biếc và thơ mộng này không biết từ bao giờ khoác lên mình những câu chuyện huyền bí, một thời là nỗi ám ảnh của người dân.
Ám ảnh những vực xoáy
Con đường dẫn vào hồ Ea Kao (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được mở rộng và trải nhựa phẳng lì. Nhìn từ xa hồ lọt thỏm, vây quanh là núi đồi trùng điệp, nương rẫy cà phê bạt ngàn, cánh đồng lúa xanh mát mắt cùng những buôn làng người Êđê yên bình.
Đi sâu vào các buôn của xã cảm nhận một nét bình yên. Ngôi nhà cộng đồng buôn Tơng Ju im ắng trong ánh nắng chiều. Giọng trưởng buôn Y Bhiu đều đều vang lên, hồ Ea Kao theo tiếng của người Êđê là hồ nước không bao giờ cạn, hồ còn có một tên gọi khác Ktơng Jũ (vùng nước có vực sâu). Hồ được hình thành từ việc chặn các dòng suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim…
Ngồi trên triền hồ dưới ánh bình minh ngắm mặt hồ yên ả, từng quả đồi nằm chen chúc nhau tạo nên một mảng xanh trù phú. Xa xa từng đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Những câu chuyện mang sắc màu bí hiểm trên từng đoạn suối dần gợi mở. Ngày xưa để dựng nhà sàn đồng bào tại buôn Huê phải đi lên rừng tìm chặt cây Tăm xe (một loại gỗ quý). Khi đi đến dòng suối Ea Knin có một đoạn uốn khúc nước chảy xiết rất nguy hiểm, người dân bàn nhau phải chặt cây ven suối làm cầu bắc qua. Mọi người vung rìu lên chặt, tất cả rìu bị rơi xuống suối mất tích. Đoạn suối này, họ gọi là Ktơng Jông (nơi những chiếc rìu bị rơi hay vực xoáy những chiếc rìu). Nhiều già làng nói rằng đó như sự trừng phạt của Giàng vì đã chặt phá cây rừng.
Vào một năm trời nắng hạn, dân làng buôn Huê tổ chức cúng Yàng để cầu mưa thuận gió hòa, buôn làng no ấm. Con heo dùng để cúng tế bật sống dậy và bỏ chạy. Dân làng băng rừng đuổi tìm nhưng đến một đoạn trên dòng Ea Kin thì heo biến mất. Từ đó đoạn suối ấy có tên là Ktơng Un (vực xoáy nơi heo bị rơi).
Qua nhiều thế hệ, những truyền thuyết gắn với suối Ea Kin, Ea Kao dần bị mai một. Chỉ còn một số câu chuyện được các già làng kể lại vào những ngày lễ hội khi bếp lửa bập bùng bên ché rượu cần, tất cả hòa quyện vào nhau khiến vùng đất này càng thêm huyền ảo.
Truyền thuyết về đoạn suối Ktơng tiăn (vực xoáy đau bụng) được kể như lời nhắc nhở những đứa trẻ nên tránh xa đoạn suối này. Nơi ấy như chốn bồng lai tiên cảnh với rừng hoa đua nhau khoe sắc cùng những chùm quả ngon ngọt, chỉ cần lỡ tay hái quả ăn sẽ bị đau bụng dữ dội. Họ dùng đủ loại thuốc để chữa, cúng xin thần rừng, thần suối nhưng vẫn không thể cứu sống. Họ phải chịu đau đớn vật vã bảy ngày bảy đêm.
Mắt biếc giữa đại ngàn
Chiều buông, ánh hoàng hôn bao trùm mặt hồ nhuộm một màu đỏ rực. Một vài chiếc thuyền nhẹ nhàng rẽ nước, xa xa cánh cò chao trên mặt hồ. Câu chuyện của các già làng rì rầm, hòa cùng giai điệu của sóng nước mênh mang. Hồ Ea Kao trở thành nguồn sống, nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Dòng nước mát từ hồ tưới tiêu các đồng ruộng ở xã Ea Kao, Hòa Xuân,… và một số vườn cây công nghiệp lân cận, cung cấp nguồn thủy sản phong phú. Những năm tháng hình thành công trình này bà con nhân dân các thôn, buôn trên địa bàn xã cùng nhau góp công, góp sức trong suốt 3 năm. Đó như động lực giúp nhau vượt qua gian khó, tính cộng đồng thêm bền chặt.
Chị H’Duynh sống gần hồ chia sẻ, vào mùa mưa, mực nước hồ Ea Kao có khi dâng lên mấp mé tới chân đập thủy lợi, còn vào mùa khô dù khô hạn đỉnh điểm, mực nước giữa hồ vẫn tới bắp chân. Hồ có diện tích mặt nước rộng lớn, hợp từ nguồn nước của nhiều dòng suối, chính nhờ những vực xoáy sâu ấy mà nước không bao giờ cạn. Trên bãi cỏ xanh vào tháng sáu mùa nước rút, có một hồ nước nhỏ hình trái tim rất lãng mạn.
Hồ Ea Kao được hình thành do việc chặn hai dòng suối Ea Knin, Ea Kao và một số suối nhỏ Ea Chăt, Cư Mblim… để xây dựng công trình thủy lợi, và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1983. Là một trong những hồ nhân tạo lớn của tỉnh không chỉ có giá trị to lớn về mặt tưới tiêu mà còn là nơi cung cấp nhiều mặt hàng thủy sản nước ngọt và hấp dẫn về du lịch. Hồ Ea Kao được UBND tỉnh trao quyết định công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2012.
Ngồi bệt trên thảm cỏ lim dim cảm nhận làn gió mát lạnh từ hồ thổi vào, chị H’Luyêch chăn bò thuê gần đó chia sẻ, chị đã từng được nghe những người già trong buôn kể nhiều chuyện về những đoạn suối trên hồ. Có một đoạn suối um tùm cây cối nhưng chị và nhiều người coi đó là cấm địa. Quả đồi với mảng màu xanh trù phú có tên Cư Mblim nằm kề bên đoạn suối Ktơng Tlư, nổi tiếng linh thiêng và là nỗi khiếp sợ cho tất cả những ai săn bắn, hái lượm, bắt cá mà không may lạc vào. Đồng bào các buôn ở đây tin rằng đoạn suối này có ma lai bởi rất nhiều người từng lạc vào đây. Một vài người may mắn được thần rừng chỉ lối cho về, nhưng trước đó họ trải qua nỗi khiếp sợ khi phải mải miết đi nhiều ngày trong khu rừng nhưng vẫn quay về chỗ cũ. Trong nỗi sợ hãi, họ phải quỳ xuống bốc đất bôi lên mặt, khẩn thiết xin Yang (thần) tha thứ mở đường cho về nhà. Từ đó họ gọi nơi này là Ktơng tlư (khu vực có ma lai). Tương truyền, nếu người nào sống tốt với cha mẹ, mọi người sẽ được Yang che chở. Khi đến gần đoạn suối Yang sẽ hiện hình con voi rừng trên đám mây, trên mặt nước để cảnh báo.
Hồ Ea Kao vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có, tách biệt khỏi những ồn ào, náo nhiệt của thành phố, khung cảnh thiên nhiên nơi đây mang lại cho con người cảm giác bình yên.
“Trước đây khu vực này rất heo hút, ít người qua lại, rác ngập ngụa vì người dân đổ rác bừa bãi. Từ khi nơi đây thành điểm du lịch văn hóa, hồ trở thành địa điểm các bạn trẻ và khách tham quan tụ về nghỉ ngơi thư giãn tận hưởng không khí trong lành”, chị Huỳnh Thị Hương sống gần hồ chia sẻ.