Lần này về Nghi Lộc thấy là lạ khi nghĩ đến cái tặc lưỡi thán phục của nhà sử học Chương Thâu. GS rằng, tôi thấy trăm năm nay sách cháu nội viết về ông nội chưa có cuốn nào công phu như cuốn về Nguyễn Đức Công- Hoàng Trọng Mậu!
Nhớ lại trong cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử có đoạn chép thế này.
Huyện Chân Lộc (nay là Nghi Lộc) thuộc tỉnh Nghệ An. Phía đông dãy Hồng Lĩnh có một kỳ nam họ Nguyễn tên là Đức Công thiên tính thông minh lanh lẹ. Học giỏi chữ Hán lại được cha rèn cặp. Đi thi thử thì đã đỗ đầu. Sau được bổ làm quan. Năm Hàm Nghi bỏ quan về làng. Ghét thế tục, thẹn chốn quan trường thường phẫn uất không hay hài lòng. Anh em bà con trong nhà cũng không dò hết được ý ông. Ông thường thở dài, đường đường một đấng nam nhi gặp nạn nước mà cứ vùi đầu vào bút hư mực hỏng làm bạn với loài mọt sách để suốt đời làm kẻ hủ nho ư?
Năm tháng dần trôi. Người ta những tưởng kỳ nam ấy đã nguôi ngoai yên bề gia thất một vợ dại với năm con thơ thì cái chí tang bồng hồ thỉ ấy cũng nhạt nhòa. Chẳng ngờ một thời gian sau, người ấy biến mất!
Bẵng đi nhiều năm. Bỗng năm 1915, có tin dữ truyền về cái làng nhỏ ở xứ Chân Lộc ấy. Thì ra kỳ nam nọ đã từng can sự một việc lớn của quốc sự mà người làng, anh em, bà con không hề biết!
Ấy là Pháp vừa bắt được Hoàng Trọng Mậu một yếu nhân của tổ chức Việt Nam quang phục hội (VNQPH). Thì ra thời gian can dự vào quốc sự, Nguyễn Đức Công lấy tên mới là Hoàng Trọng Mậu.
(Hết trích)
…Trở lại cái tấm tắc của GS Chương Thâu- cuốn sách cháu nội viết về ông nội. Ấy là cuốn Chí sĩ- Liệt sĩ Nguyễn Đức Công -Hoàng Trọng Mậu ( NXB Đại học Quốc Gia năm 2016).
Những trang của Chí sĩ- Liệt sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) cứ như nối tiếp, như rành rẽ sinh động thêm những tóm tắt, cô đọng trong Việt Nam nghĩa liệt sử.
… Năm 1908 theo tiếng gọi của cụ Phan Bội Châu, kỳ nam Nguyễn Đức Công lên đường Đông du cầu học tại Trường Đồng văn thư viện Tokyo. Khi tổ chức Đông du bị giải tán, lưu học sinh bị trục xuất khỏi xứ Phù Tang. Nguyễn Đức Công trở về Trung Quốc và học tại trường Võ bị Hoàng Phố. Năm 1912, VNQPH được thành lập, Nguyễn Đức Công được bầu giữ chức Ủy viên phụ trách quân sự trong Bộ chấp hành được phân công viết lời Tuyên cáo của NVQPH.
Cụ cùng Phan Bội Châu còn viết sách Quang phục quân phương lược đồng thời tham gia việc định Quốc kỳ, Quân kỳ, và ký tên trong các tờ Quân dụng phiếu của NVQPH.
Rồi Cụ được chỉ huy một cánh quân từ Vân Nam về đánh đồn binh Pháp ở Hà Khẩu. Nhưng sau thay đổi chỉ đánh đồn Tà Lùng ở Cao Bằng, nhưng thất bại. Cụ lại rút quân về Long Châu và định đi Thái Lan nhưng bị mật thám Anh bắt giao cho Pháp. Cụ bị giải về Hỏa Lò.
Bị Pháp tra tấn cực hình vừa tìm cách dụ dỗ mua chuộc. Ở đề lao Hỏa Lò, Hoàng Trọng Mậu đã viết một bức thư dài gửi cho Toàn quyền Đông Dương khẳng khái thể hiện ý chí cách mạng của mình cùng đồng chí.
(Bức thư này tìm được trong tập hồ sơ của Sở mật thám Đông Dương. Thư không đề ngày tháng mà chỉ đề năm 1915. Thư viết bằng chữ quốc ngữ)
Điều tiên đoán đặc biệt là Cụ đã thẳng thắn với Toàn quyền Đông Dương rằng.
… Nếu Pháp không chịu sửa đổi lề lối cai trị ở Việt Nam thì sớm muộn cũng sẽ bị Nhật Bản hất cẳng!
… Chao ôi bỏ tù một người mà để trăm ngàn người giận. Sự oán giận ấy tích vào bụng dân. Dân đã không yên thì Nhà nước yên sao được!
Tại Hỏa Lò trước khi lên đoạn đầu đài, Cụ cũng để lại bài thơ chữ Hán bộc bạch chí khí cùng tiết tháo.
Từ biệt quê nhà chẳng nhớ năm/ Ngổn ngang tâm sự rối tơ tằm/ Đoái trông Kiếm, Nhị buồn tanh sắc/ Mơ tưởng Lam Hồng lạnh ngắt tăm/ Chết quách đã đành không đất sạch/ Sống về cũng chỉ một trời căm/ Năm canh hồn mộng thành thân cuốc/ Ngậm máu đi về khóc cõi Nam
Tại trường bắn Bạch Mai (theo tiêu chuẩn cấp tướng của đối phương?) Cụ khẳng khái đọc đôi câu đối.
Ái quốc hà cô duy hữu tinh thần lưu bất tử/ Xuất sư vi tiệp thả tương tâm sự thác lai sinh (Yêu nước thì tội gì chỉ có tinh thần là chẳng chết/ Ra quân chưa thắng xin đem tâm sự gửi đời sau)
Cụ bị hành hình ngày 24/1/1916 cùng với người đồng chí cũng là một yếu nhân của VNQPH là Thúc Đường Trần Hữu Lực. Hai người cùng chôn chung một huyệt!
Danh người chí sĩ Hoàng Trọng Mậu ấy, hiện đã được đặt tên cho các đường phố ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Đọc Chí sĩ- Liệt sĩ Nguyễn Đức Công… Ít người biết tác giả viết cuốn ấy khi đã bước sang tuổi… 80! Bà là Thu Phong Nguyễn Thị Minh Thâm, cháu gái nội của nhà cách mạng Nguyễn Đức Công.
Trước đó bà chưa hề viết sách! Chuyên môn trước khi hưu của bà là dạy môn sinh vật. Nhưng với quyết tâm mãnh liệt viết sách về ông nội dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà cách mạng Nguyễn Đức Công- Hoàng Trọng Mậu, bà đã vượt trải nhiều gian nan. Mạo muội nghĩ thêm, có lẽ nghị lực, khí chất của phụ nữ Khu Tư- Nghi Lộc, và nữa là người vợ từ thuở tào khang của GS NGND Nguyễn Đình Chú (Đại học SP Hà Nội) đã tiếp thêm nghị lực cho bà?
Bà còn là tác giả của cuốn Cha tôi nhà Hán học Nguyễn Đức Vân xuất bản năm 2018 đọc khá thú vị với nhiều tư liệu giá trị.
Cuốn mới nhất là Dòng máu chung tình nghe đâu được nhiều người tìm đọc tán thưởng!
(Còn nữa)