Giải thiêng “đốt nhiều lắm lộc”
“Chúng tôi nhất trí phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VHNTVN) thực hiện, nhưng hiện chưa có gì cả. Còn hiện tượng đốt vàng mã ở Đền Bà chúa Kho, phải thấy rằng còn đốt nhiều dù có giảm. Mọi người đến lễ mang theo vàng mã cơ bản là người ngoài địa phương. Người ta có quan niệm là lộc nhiều người ta mang đến lễ nhiều. Nhà đền có đóng túi nhỏ phát cho người đến lễ mang lộc về. Mang về vẫn là đốt”, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh nói.
Quan chức phải làm gương
“Đốt vàng mã ở Lào Cai nhiều nhất chỉ có ở đền Bảo Hà, do tục ở đây cứ phải đốt ngựa (thờ thần Vệ quốc Hoàng Bảy). Tuy nhiên tôi cho rằng, cái chính quan chức phải làm gương, dân lấy đâu ra tiền mà đốt nhiều thế”.
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai
Ông cũng cho rằng, theo Viện VHNTVN thì đốt vàng mã du nhập từ Trung Quốc có lộ trình, nên chắc muốn nó giảm cũng cần lộ trình nhất định. Không riêng Bắc Ninh, nhiều nơi khác thấy khó vì không có văn bản nào cấm đốt vàng mã. Đến xử phạt đốt vàng mã cũng gần như vô hiệu, bởi quy định chỉ cho phạt khi đốt không đúng nơi quy định. Đền nào, phủ nào cũng có một vài lò hóa sớ cỡ lớn, lẽ nào dân đem đốt giữa sân? Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc than, xử phạt đốt vàng mã khó như lên trời.
Chuyên gia Viện VHNTVN cũng chỉ ra, tục đốt vàng mã này ăn sâu bén rễ vào tâm thức của người dân nên khó mà bỏ ngay. “Quan niệm đốt càng nhiều vàng mã, càng nhiều lộc là không đúng. Quan trọng nhất là ở lòng thành, không phải ở vàng mã nhiều ít”, lời GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Còn GS Trần Lâm Biền từng gọi hành vi đốt vàng mã là “sai trái vô thức” vì không hiểu hết giá trị cổ truyền, cứ mua nhiều đốt lắm thỏa mãn con mắt trần tục.
Có người đổ thừa xuất phát từ đạo Phật, tuy nhiên Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương nhiều lần nhấn mạnh “không có sự linh thiêng trong việc đốt vàng mã”. Thực tế, chùa Hương nhắc nhở phật tử rất nghiêm, không có chuyện đem tiền âm phủ, vàng mã vào đốt trong khu vực di tích.
Cẩn thận... bất khả thi
Ban quản lý, nhà đền đều thừa nhận có tuyên truyền trên loa. Hỏi biện pháp trực quan như có người đứng nhắc nhở, hay ghi biển cảnh báo, họ đều kêu khó, vì là vấn đề tâm linh. “Mình đi lễ mà bị cái nọ cái kia thì ức chế, nhắc nhẹ thôi để khách hạn chế tiền vàng”, ông Nguyễn Thành Lập, BQL Đền Bà chúa Kho nói.
“Cấm chắc chắn là không cấm được, hạn chế thì hạn chế kiểu gì, nếu cứ để vô tội vạ thì chết. Tôi đang đắn đo dự định tổ chức một tọa đàm giữa nhà nghiên cứu, người trông coi ban quản lý di tích để họ tư vấn mà chấn chỉnh”, bà Từ Thị Loan, quyền Viện trưởng Viện VHNTVN cho biết.
Chưa có kinh phí, và phải chờ quyết định của Bộ VH-TT&DL, trong khi chuyên gia của Viện sốt ruột vì tết nhất, nơi nơi rộ lên đốt vàng mã.
Một số giải pháp có thể nghĩ tới: Tăng thuế sản xuất, làm thật tinh xảo và giá đắt cho người tiêu dùng phải đắn đo, cử người nhà đền đứng từ cổng nhắc nhở không cho mang quá nhiều lễ vào đền, hạn chế đốt... “Phải phối hợp tất cả các khâu, vì Bộ chỉ được giao phần ngọn, xử lý hành vi ứng xử ở nơi sử dụng vàng mã, trong khi liên ngành như Công thương, Công an, Ban Tôn giáo chưa thực sự phối hợp”, đại diện Viện VHNT nói. Làm sao cấm đốt được khi không hạn chế sản xuất, lưu thông. Ngay làng tranh Đông Hồ, giờ 90% chuyển sang sản xuất vàng mã.
Post by Báo Tiền Phong.