Theo bà Lan, hiện chúng ta vẫn nói hằng năm nói ngành dệt may tăng trưởng lớn, trị giá xuất khẩu vài chục tỷ USD, nhưng phải xem rõ đó là do khu vực nào xuất khẩu, hay vẫn là DN nước ngoài hưởng lợi.
Ngoài ra, hiện có rất ít DN Việt đầu tư vào sản xuất sợi, nhuộm, trong khi hầu hết DN lĩnh vực này có vốn đầu tư nước ngoài. “Chúng ta thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, hiện các DN Trung Quốc thi nhau chuyển công nghệ, lao động sang Việt Nam để làm. Rốt cuộc họ vẫn là người bán sợi cho các công ty may Việt Nam và hưởng lợi”- bà Lan nói.
Với DN, theo bà Lan, vấn đề chính là năng lực cạnh tranh, đặc biệt DN có thể vượt lên được không khi môi trường kinh doanh còn thiếu sót, thiên vị các loại hình DN, khó khăn nhiều vẫn “đẻ” thêm...
Ngoài ra, bà Lan cho rằng, DN có tự mình thay đổi để vượt lên tận dụng cơ hội từ TPP được hay không, đặc biệt với DN quy mô nhỏ, lâu nay hoạt động theo đường mòn, việc thay đổi không phải dễ dàng.
Khi tham gia TPP, nhiều người đánh giá Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất vì là nước mà kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong số các nước TPP, nhưng bà Lan không nghĩ như vậy.
Bà cho rằng, các nền kinh tế khác trong TPP có quy mô rất lớn, nên dù GDP chỉ tăng 1% cũng bằng Việt Nam tăng vài chục phần trăm. Tương tự, xuất khẩu Việt Nam quy mô nhỏ, nên dù có tăng đạt con số lớn, về thực chất vẫn không đạt được như các nước khác.