Có lẽ năm học này sẽ đi vào lịch sử ngành giáo dục khi đã hết học kỳ I, toàn quốc mới chỉ có khoảng 15 địa phương dạy học trực tiếp, số còn lại kết hợp 2-3 phương thức trực tuyến, trực tiếp, truyền hình. Trong đó, Hà Nội là địa phương cho đa số học sinh dừng đến trường đến nay gần tròn 1 năm. Nhiều nhà quản lý giáo dục chia sẻ thực trạng, học sinh gian lận trong giờ học trực tuyến, kiểm tra cuối kỳ; gia tăng số học sinh nghiện game… và nhiều vấn đề khác. Dù học sinh có đủ thiết bị để học tập nhưng ở nhiều trường, tỉ lệ dùng điện thoại để học chiếm hơn 60%.
Thời gian đầu, nhà trường sẽ không quá khắt khe với học sinh đi học muộn hay chưa tuân thủ nội quy mà sẽ dần dần rèn thói quen, không gây áp lực cho các em.
Cô Đào Thị Bích Thuỷ, giáo viên một trường THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội), nói rằng sau 1 học kỳ học trực tuyến, nhiều em đã quen với việc ngủ dậy muộn, tắt camera để không chịu sự giám sát của giáo viên. Điều này đồng nghĩa với việc học trực tuyến, các em có thể gian dối, lười học hơn so với trực tiếp. Vì thế, khi có kế hoạch quay lại trường học, bên cạnh những học sinh rất háo hức, vui vẻ, sẽ có những em không vui. “Để động viên học sinh, trước kỳ nghỉ Tết, cô giáo đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến gồm các trò chơi, khơi gợi các em chia sẻ cảm xúc chuẩn bị quay lại trường học cũng như khó khăn để có phương án hỗ trợ”, cô Thuỷ nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, cố vấn giáo dục của Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), khẳng định, bất kỳ sự thay đổi thói quen nào cũng cần có thời gian, nhất là các em đã ở nhà gần 1 năm nên sẽ có tình trạng ngại giao tiếp, ngại vận động… Trường học sẽ mở cửa ngay sau Tết, do đó, từ bây giờ, giáo viên chủ nhiệm được yêu cầu trao đổi cùng phụ huynh thiết lập dần thói quen cho các em như thức dậy sớm hơn, tăng cường vận động…
Nhà trường đề nghị, trong và sau kỳ nghỉ Tết, cha mẹ không quá gây áp lực với học sinh trong việc học tập. Học sinh lớp 9, lớp 12 ngay sau Tết sẽ chuẩn bị cho các kỳ thi vượt cấp, tốt nghiệp THPT nhiều áp lực nên phụ huynh có tâm lý sốt ruột, thúc ép con. Phụ huynh nên khuyến khích con nghỉ ngơi, dành thời gian giao lưu, trò chuyện với người thân, thiết lập kỹ năng tương tác tạo tâm lý thoải mái trước khi đi học. Những ngày đầu đến trường, vì vẫn còn dịch COVID-19, khó có thể tổ chức được các hoạt động tập trung, các lớp sẽ được hướng dẫn tổ chức hoạt động trong lớp tạo không khí vui vẻ, kết nối lẫn nhau.
Chuẩn bị cho tình huống rủi ro
Ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý học Giáo dục Hà Nội, khuyến cáo cha mẹ, giáo viên cần đề phòng những tình huống có thể xảy ra khi học sinh quay lại trường học như: bạo lực học đường; áp lực, căng thẳng trong học tập; những trường hợp rối nhiễu đặc biệt trong học tập và cảm xúc; kết quả học tập sụt giảm… “Đặc biệt, giáo viên phải chuẩn bị cho cả tình huống có học sinh bị nghi vấn F0 có thể sẽ bị xa lánh, kỳ thị hoặc có những lời đồn tiềm ẩn tạo ra một loại bạo lực học đường”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng khuyến cáo phụ huynh cần để ý những dấu hiệu cho thấy con đang rất cần được hỗ trợ sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp khi có một số dấu hiệu của sự căng thẳng như thay đổi trong giấc ngủ hoặc cảm giác chán học, cáu giận thất thường... Những dấu hiệu và triệu chứng này bắt đầu cản trở khả năng hoạt động của trẻ nếu kéo dài hơn hai tuần.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng khi mở cửa trường học, nhà trường cần có giải pháp an toàn cho trẻ. Đầu tiên cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo các nội dung chuyên môn, vừa đảm bảo phòng chống dịch, xây dựng kịch bản phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học. Xây dựng lại hệ thống kiểm tra, đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng năng lực người học theo cả phương thức học tập trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp, tránh được gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác.