Theo Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam, cầu Nguyễn Thái Học là cầu bộ hành phục vụ con người và con người là tài sản vô giá nên không sử dụng để làm vật thử tải.
Được biết, cầu Nguyễn Thái Học dài 129m, rộng khoảng 6,5m và 1m2 có thể chịu sức nặng tới 410kg; cả cầu có thể sức chứa hơn 4.600 người.
Hiện, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo tạm dừng thử tải bằng người, thay vào đó là thử tải bằng nước theo chuyển động tĩnh.
Còn theo một giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải, thử tải cho cầu bộ hành thường sử dụng con người. Vì đây là cầu chuyên thiết kế tải trọng cho người đi bộ nên việc thử tải như vậy là bình thường.
Tuy nhiên, khi thử tải không nhất thiết phải thử bằng người đi bộ, mà có thể sử dụng các máy móc, thiết bị hoặc các vật liệu khác có trọng lượng tương ứng để kiểm tra.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Long Xuyên yêu cầu phối hợp, hỗ trợ việc giám định công trình cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học do có dấu hiệu “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang trưng cầu Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam giám định chất lượng, xác định thiệt hại và thẩm quyền điều chỉnh thiết kế của cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học và phân viện đã có công văn thông báo tiến hành giám định cầu bộ hành từ ngày 29/3 – 6/4.
Trong đó, Công an tỉnh An Giang đề nghị Chủ tịch UBND TP Long Xuyên phối hợp, huy động 400 người tại các trường học, dân quân, dân phòng, đoàn thể... đóng trên địa bàn thành phố để phục vụ cho việc thử tải ngày 5/4.
Tuy nhiên, phương pháp thử tải này đã vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều.