> Tân Tổng Giám đốc FPT và con đường sự nghiệp
> FPT bổ nhiệm Tổng giám đốc mới
Không thể sống hèn
Là một doanh nhân Việt Nam với hầu hết những vị trí ông đảm nhận trong vai trò người đầu tiên sáng lập, mang tố chất của người dẫn đường. Vì sao ông luôn có những ý tưởng mới mẻ và thực hiện nó thành công trong cuộc sống, trên thương trường?
Tôi tự hào là thế hệ người Việt được sinh ra trong thời kỳ khói lửa của chiến tranh. Nhưng khi đi học tập ở nước ngoài, không phải ở đâu chúng tôi cũng được tôn trọng. Lúc đó tôi hiểu nghèo là hèn và tôi tự nhủ mình không thể sống hèn. Sau này khi đã dấn thân vào con đường kinh doanh, tôi có khát vọng Việt Nam phải có những công ty nằm trong vị trí những công ty hàng đầu trên thế giới, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hưng thịnh. Khát vọng đó đã thúc đẩy tôi tự học hỏi, vượt qua mọi khó khăn để có được những thành công ngày hôm nay.
Trong đề thi đại học môn Ngữ văn khối D 2013, Việt kiều Tran Hung John đặt vấn đề: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải là người tiên phong. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã vẽ sẵn”. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Mỗi người đều phải có con đường đi của riêng mình, đấy là nguyên tắc sống. Một người có thể học hỏi người khác để tìm ra con đường riêng cho mình, nhưng cũng có thể tự vạch ra một cách đi riêng. Nhưng cho dù bằng cách nào, điều quan trọng vẫn là may mắn và thành công chỉ dành cho những người dũng cảm liên tục tìm kiếm con đường đi riêng cho chính mình.
Đừng sợ bị chê bai
Thời ông sáng lập nên FPT, ông có chịu áp lực khiến ông phải lựa chọn “con đường vẽ sẵn” hay lối đi riêng?
Về câu chuyện áp lực lựa chọn “con đường vẽ sẵn” hay lối đi riêng trên con đường sáng lập và điều hành FPT, tôi xin kể câu chuyện về việc FPT thực hiện giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Năm 1998 tôi đề xuất câu chuyện làm xuất khẩu phần mềm và câu chuyện này được xem là một chuyện viển vông. Vì tại thời điểm đó, mặc dù FPT đã được 10 năm tuổi nhưng năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm chưa có, nhân lực cũng quá ít.
Hơn nữa, làm xuất khẩu phần mềm tại thời điểm đó nghĩa là phải ganh đua với Ấn Độ, Trung Quốc, những cường quốc về xuất khẩu phần mềm. Cái khó đầu tiên tôi phải vượt qua đó là thuyết phục các cộng sự của mình tin vào câu chuyện xuất khẩu phần mềm.
Và tiếp đến là thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước tin vào câu chuyện này. Nhưng tôi có niềm tin là tại sao Ấn Độ, Trung Quốc họ làm được mà Việt Nam lại không làm được. Và thực tế là chúng tôi nói riêng, nước ta đã làm được. Năm 2012, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, chiếm vị trí thứ hai về xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Dẫu bước đầu thành công vẫn còn rất nhỏ bé nhưng niềm tin của tôi đã được chứng minh.
Ông có thể chia sẻ triết lý thành công, triết lý kinh doanh để thấy rõ sự khác biệt của ông so với các doanh nhân khác?
FPT có 3 triết lý kinh doanh xuyên suốt. Thứ nhất là hài hòa, nghĩa là muốn phát triển phải lo bền vững, muốn thành công phải cùng thành công. Thứ hai là nhất quán, điều này có nghĩa một Cty thành công cần có một tổ chức nhất quán, hành động nhất quán và mục tiêu nhất quán. Thứ ba, con người là giá trị cốt lõi. Ngày nay FPT nỗ lực để biến hành động của mỗi nhân viên FPT thành sức mạnh của Tập đoàn, hướng tới mục tiêu chung trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh.
Tham gia vào cuộc dịch chuyển thời đại
Được biết đầu năm 2013, FPT đã mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại thung lũng Silicon. Hiện FPT đang nỗ lực tìm cách để tăng doanh thu gia công phần mềm của mình tại Mỹ lên con số 100 triệu USD vào năm 2016. Vậy FPT có phải là Cty Việt Nam đầu tiên “tấn công” thung lũng Silicon hay không? Vì sao ông lại đẩy mạnh việc tăng doanh thu gia công phần mềm tại Mỹ, một quốc gia hùng cường về công nghệ thông tin?
Năm 2000, FPT là công ty CNTT Việt Nam tiên phong mở văn phòng tại thung lũng Silicon (Mỹ) để thực hiện giấc mơ xuất khẩu phần mềm và đưa tên Việt Nam vào bản đồ số của thế giới. Hiện FPT là công ty phần mềm Việt Nam duy nhất mở công ty 100% vốn tại Mỹ.
Năm 2013, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm là 100 triệu USD. Đây cũng là con số doanh thu mục tiêu mà chúng tôi đề ra cho thị trường Mỹ vào năm 2016. FPT đặt ra mục tiêu lớn cho thị trường Mỹ bởi vì,
Thứ nhất, thế giới bắt đầu cuộc chuyển dịch trong vòng 20 năm từ máy chủ, máy trạm sang xu hướng công nghệ mới Mobility, Cloud, Big Data. Ngay vào thời điểm này thì thế giới đang ước tính thiếu khoảng 3 triệu người làm trong các lĩnh vực công nghệ trên. Việt Nam là một quốc gia dân số trẻ, hiếu học tại sao lại không tham dự vào cuộc dịch chuyển cùng thời đại này? Thứ hai, quá trình dịch chuyển này đòi hỏi rất nhiều công tác nghiên cứu phát triển và sự sáng tạo. Silicon Valley (Mỹ) là cái nôi có nguồn nhân lực nghiên cứu người Mỹ dồi dào, đó là lý do chúng tôi mời họ tham gia với đội ngũ chuyên gia của FPT để cùng bước theo sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới.
Ông nhận xét gì về sự sáng tạo, tố chất khám phá lĩnh vực mới và đóng góp của thế hệ trẻ FPT nói riêng; giới trẻ Việt Nam nói chung?
Sáng tạo và nghiên cứu phát triển là kết quả của cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển. Thanh niên Việt Nam thực sự có tiềm năng sáng tạo, nghiên cứu và phát triển rất lớn vì họ liên tục phải đấu tranh sinh tồn. Họ có thể trở thành những người thành đạt, những chuyên gia công nghệ, những nhà khoa học nếu họ có một môi trường tốt. Tuy nhiên, cái họ thiếu là một môi trường với đủ các điều kiện cần thiết giúp họ có thể phát huy được hết tiềm năng để tiếp thu, nắm bắt làm chủ các công nghệ đỉnh cao. Chính vì vậy, theo tôi cần phải tạo ra một môi trường không chỉ cho họ được sống; được làm việc; được là chính mình mà trong môi trường đó họ còn có thể phát huy hết tiềm năng, năng lực sáng tạo của bản thân. Trong suốt gần 25 năm phát triển, FPT đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một môi trường như vậy.
Cảm ơn ông.
Ông Trương Gia Bình hiện là Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp Trẻ Việt Nam (1998-2005)...
PHƯƠNG HIẾU
thực hiện