Chống ngập TPHCM: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

TP - TPHCM chi hàng chục nghìn tỷ đồng nạo vét, cải tạo rạch Tàu Hũ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm và sắp tới khôi phục rạch Hàng Bàng để chống ngập. Trong khi đó, Sở KH&ĐT và Sở NN&PTNT lại cấp phép cho gần 160 dự án san lấp kênh rạch.  
Đường Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM) ngập trong nước mưa tối 16/9. Ảnh: Thảo Nguyên.

Tình trạng chống ngập “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” đã gây bức xúc cho nhiều đại biểu và cử tri tham dự chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM tổ chức ngày 8/11.

Càng chống càng ngập

Ông Lê Quốc Trị (ngụ đường Chiến Lược, quận Bình Tân), cho biết hơn mười năm nay cứ đến mùa mưa là khu vực đường Chiến Lược lại ngập, năm sau ngập sâu hơn năm trước, có nơi ngập sâu gần 1 m. Con đường vừa được đắp cao, hiện nay đã bị ngập trắng. “Mưa khoảng 30 phút là ngập. Nước rút rất chậm. Đoạn kênh từ đường Mã Lò đến sông Hòa Hợp hẹp, ngập rác. Ngập nước gây xáo trộn đời sống người dân. Đồ đạc, tài sản trong nhà hư hỏng hết, đi lại hết sức khó khăn, nước bị ô nhiễm bốc mùi hôi thối. Nhiều gia đình chịu không nổi phải bán nhà dọn đi nơi khác” - ông Trị nói.

“Thời gian làm thủ tục dự án chống ngập mất khoảng 6 tháng. Ban đầu mới là ổ gà, xong thủ tục rồi thì thành ổ voi. Cần có cơ chế phản ứng nhanh, không cần thủ tục. Thấy chỗ nào ngập cứ xốc vào làm thì mới hy vọng giải quyết được tình trạng ngập nước”.

Ông Sử Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM

Ông Cao Văn Thanh (ngụ đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) nói các van ngăn triều đã lắp đặt không phát huy hiệu quả do van chìm dưới nước không đóng được khiến nước tràn vào khu dân cư. Một số cử tri quận 8 cho biết nhiều đêm triều cường lên cao trôi hết vật dụng, giày dép trong nhà, buổi sáng các cháu không còn dép đi học. Cống ngăn triều Rạch Ruột Ngựa lúc mới hoàn thành thì không còn ngập nhưng đợt triều cường tháng 10 vừa qua, nhiều tuyến đường tái ngập, sâu gần nửa mét.

Nhiều cử tri đề xuất TPHCM mở cuộc vận động “Vì công trình công cộng” để huy động đóng góp của cộng đồng vào công tác chống ngập. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, qua kiểm tra, nhiều nơi đã triển khai dự án chống ngập nhưng tình trạng ngập nước chưa được giải quyết như tuyến đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Kênh Hy Vọng (Bình Tân),…

“Từ nay đến cuối năm, TPHCM cam kết xóa 14 điểm ngập do mưa và 2 điểm tái ngập. Tình trạng tái ngập làm bà con rất phiền. Hồ điều tiết ở Gò Dưa rất lớn, nếu hoàn thành sẽ điều tiết nước cho lưu vực, giảm ngập và cải tạo mỹ quan. Dù HĐND TPHCM đã ghi vốn, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng hiện nay mới nghiên cứu khả thi. Tiến độ rất chậm”, ông Lâm nói.

Ngập úng ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng chất lượng sống của người dân.

Người xây, kẻ phá

Ông Lý Hiếu Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết, bờ hữu sông Sài Gòn đang xuất hiện nhiều điểm ngập. Các van ngăn triều lắp đặt thấp hơn mực nước triều nên mất tác dụng. Nước vẫn tràn vào nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Lâm tiếp lời: Ngày trước chưa có van ngăn triều, bà con nông dân làm bọng, thủy triều lên lấy tấm ván chèn vào bọng kín mít. Bây giờ mình có kỹ thuật hiện đại lại đậy không kín thì khó thuyết phục, người dân rất bức xúc.

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2004, hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối 2009. Đê bao vừa ngăn triều, vừa làm đường giao thông. Sử dụng được một thời gian thì các van ngăn triều bị lún do mật độ lưu thông quá lớn, xe chở quá tải…

Trong khi đó, nhiều van ngăn triều bị mất thanh ngang. Nhiều van bị chèn lấy nước từ sông vào ruộng nên mỗi khi triều cường lên, nước lại tràn vào. Vừa qua, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu kiểm tra thường xuyên, khắc phục tình trạng lún, xâm hại các van ngăn triều.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: Đê bao vừa đưa vào sử dụng đã bị lún sụt, van ngăn triều mất tác dụng… có phải do lỗi thiết kế?

Đại diện Ban Quản lý dự án thừa nhận trước kia khi thiết kế do chưa lường hết được các tình huống có thể xảy ra, không làm lớp gia cường bên dưới nên đê bị lún.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM cho biết, TPHCM đã cho lắp đặt van ngăn triều tại nhiều cửa cống dẫn nước ra kênh rạch. Van được thiết kế một chiều, tự động đóng mở. Khi nước lên thì đóng kín để ngăn nước triều. Tuy nhiên, nhiều nơi van đóng không kín do bị rác chèn vào khiến nước triều chảy ngược vào cống gây ngập.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nói, nhiều người dân còn thiếu ý thức, bỏ rác xuống kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bình quân mỗi ngày công nhân vớt được từ 7 - 13 tấn rác từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đáng chú ý, theo tiết lộ của ông Tuấn, Sở KH&ĐT và Sở NN&PTNT đã thỏa thuận cho 159 dự án san lấp kênh rạch, trong đó có 129 kênh rạch cụt. Vừa qua, Sở Xây dựng kiểm tra thì còn trên 120 dự án chưa thực hiện cam kết khôi phục lại kênh rạch đã bị lấp. Có 24/48 dự án lấp rạch, thay thế bằng hồ điều tiết có diện tích tương ứng nhưng đến nay mới có 4 dự án thực hiện cam kết này. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ báo cáo cụ thể cho HĐND và UBND TPHCM.

“Làm hồ điều tiết rất tốn kém nên phải hết sức lưu ý. Nếu chọn vị trí không phù hợp thì hồ sẽ không có chức năng điều tiết chống ngập mà chỉ đáp ứng yêu cầu cải tạo cảnh quan, như vậy là rất lãng phí”, ông Tuấn lưu ý.