> Quy định chặt kinh doanh thức ăn đường phố
> Chấp nhận lỗ để bảo vệ người tiêu dùng
Tuần qua, siêu thị Co.op Mart ở TPHCM đã từ chối nhập trứng CP, vì trước đó Công ty CP tự ý nâng giá trứng lên bất thường, khiến thị trường chao đảo, người tiêu dùng hoang mang.
Mấy ngày qua, họ hạ giá trứng thấp hơn cả giá trứng bình ổn. Nhưng siêu thị vẫn nói không với họ. Cách trừng trị kẻ một mình một chợ thật xác đáng. Cả thị trường tại sao phải chịu vạ lây từ một ông thích lên xuống giá bất kỳ?
Bài học Vedan còn đó. Hàng loạt siêu thị từ chối nhập bán sản phẩm của họ sau khi doanh nghiệp này bị phát hiện xả thải ra sông Thị Vải, gây hại cho môi trường Việt Nam.
Những lý luận nhảm nhí về thời trang và dòng sông dưa hấu trên đường phố - hồi đó kiểu lập luận này rất mạnh - đã bị Chính phủ từ chối, để rồi một quy định bảo vệ con người ra đời: đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm.
Hôm nay, Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, sẽ có hiệu lực.
Người bán thức ăn đường phố sẽ phải tuân thủ: Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn… Người kinh doanh phải được tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; phải được khám sức khoẻ và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ…
Nếu làm nghiêm, sẽ có hàng ngàn cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Có sao đâu nhỉ? Để thiết lập một mặt bằng vệ sinh an toàn cao hơn, hy sinh chừng ấy nhằm nhò gì.
Phải dũng cảm lắm mới từ chối được những thói quen khá mạnh nhưng sai trái, những đối tác lâu năm nhưng sẵn sàng quấy phá thị trường, những vị khách sộp nhưng thiếu kiểm soát hành vi. Để có được sự dũng cảm ấy, hẳn người ta phải thoát ra khỏi sự chiều chuộng bản thân.