Chợ phiên sách cũ: Đồ độc giá bèo

TP - Người đọc sách, chơi sách nói chung luôn có cách để tìm được sách hiếm, và rẻ. Bất kể nó lẩn khuất ở hang cùng ngõ hẻm. Thế nhưng khi “Chợ phiên sách cũ” tái hiện, họ vẫn mừng như điên!
Chợ sách cũ rất hút người mua. Ảnh: Hạnh Đỗ

Rình từng phiên

Riêng mấy tháng cuối năm đã có tới bốn phiên chợ sách cũ, cả trong Nam ngoài Bắc. Phiên sau xôm hơn phiên trước. Khách ban đầu chỉ khoanh trong phạm vi dân chăm đọc và sưu tầm. Đến cuối năm, học sinh, sinh viên góp mặt rất đông.

Từ sau khi đọc “Gối đầu lên cỏ” (Natsume Soseki - NXB Hội nhà văn) khoảng năm 2012, tôi bắt đầu tìm sách của Soseki. Lên diễn đàn sachxua.net hỏi han, các bạn mách: Soseki đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam tới ba cuốn. Một lần, thấy anh Hợp “Sách cũ Hà Nội” rao bán “Tôi là con mèo” (Natsume Soseki - NXB Hội nhà văn) đặt hai lần mới mua được. Trong một phiên chợ sách cũ ở Hà Nội, tôi tìm được “Cậu ấm thơ ngây” (Natsume Soseki - NXB Hội nhà văn). Thế là từ đó, không hội chợ nào vắng mặt.

Dân hay mò sách ở Hà Nội và người bán sách cũ hầu như biết mặt nhau. Ngồi buôn bán kẹo lạc nước chè đều hỉ hả hoan hô chợ phiên. Thay vì trước đây ra đường Láng, xuống Bạch Mai, hoặc lượn vè vè khu Hà Đông, giờ chỉ cần ra chợ phiên, có thể gặp đủ bộ dân bán sách. Theo thống kê mới nhất của Ban tổ chức Chợ phiên sách cũ Hà Nội, mỗi phiên chợ có tới 85% đơn vị kinh doanh sách cũ miền Bắc góp mặt.

Với những người đọc tạp, đi chợ phiên kiểu gì cũng vớ được sách hay, nằm lẫn lộn giữa đống sách cân, giấy đen và mất gáy. Rất nhiều “tuyệt bản” còn mới tinh, kiểu như “Chuyện kể năm 2.000” của Bùi Ngọc Tấn. Cũng có nhiều sách bộ, nhưng chỉ có vài tập lẻ. Chưa có kinh nghiệm, tôi thường bỏ qua loại sách này, chờ nhà nào đủ bộ mới mua. Sau “cáo” hơn, thấy tập nào mua tập đó. Gom góp vài ba lần kiểu gì cũng đủ. Giá mua lẻ bao giờ cũng chỉ bằng 1/3 giá trọn bộ. Ví dụ như “Muốn làm gì tôi thì làm” (J.Coates – NXB Hội nhà văn) tôi mua tập hai trước. Nửa năm sau mới kiếm được tập một.

Đi chợ sách cũ cũng giống đi chợ quần áo second hand, phải chịu khó “bới” mới kiếm được thứ hay. Cũng có nhiều chủ quầy thạo sách, sẽ hỏi: bạn cần kiểu sách gì, rồi giới thiệu. Dân sưu tầm thích những chủ kiểu này, bởi vì danh sách tìm sách lẻ trên tay họ khá dài, chủ thuộc tên sách sẽ đỡ công tìm kiếm.

Nói chung là rẻ

Những người bán sách cũ có uy tín thường sẽ không “bóp cổ” khách hàng. Ví dụ cuốn “Tôi là con mèo”, còn mới tinh, thuộc loại bản hiếm không tái bản, nhưng giá chỉ đúng bằng giá bìa.

Lại có lần, trong một đống lộn xộn đổ ra từ bao tải, tôi vớ được cuốn “Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, Trung Bắc Tân Văn in năm 1931) còn nguyên bìa, giá chỉ 250.000VND. Hay bạn tôi cò cưa được “Nam thi hợp tuyển” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Vĩnh Hưng Long thư quán 1927) chỉ bằng 1/4 giá tiền mua qua bán lại trên mạng.

Những ví dụ vớ được “của hời” ở chợ phiên sách cũ như chúng tôi kể cả ngày không hết. Đó cũng là lý do mà dân sưu tầm sách thích la cà chợ phiên. Tôi nhớ có lần phỏng vấn nhà sưu tầm Vương Hồng Sển, ông kể trong số sách quý hiếm của mình, có nhiều cuốn mua được với giá bèo tại chợ sách Đặng Thị Nhu. Nói thêm, chợ sách Đặng Thị Nhu là nơi bán nhiều sách cũ quý hiếm của Sài Gòn, đặc biệt là sau năm1975.

Chợ sách cũ phiên bản mới bán cả sách mới, tất nhiên với giá rất bèo, thường chỉ bằng 50-60% giá bìa. Học sinh sinh viên đổ đến đây chủ yếu nhằm vào những đầu sách down hết cỡ kiểu này. Trong một chợ phiên tổ chức ở Đại học Văn hóa, bất chấp thời tiết mưa rét, giá lạnh, người tham gia vẫn đông nườm nượp. Có sinh viên lùi cả lịch về nhà để tham gia chợ phiên.
Các nhà xuất bản thấy được sức tiêu thụ ở các chợ sách cũ, cũng bắt đầu tham gia, chủ yếu thanh lý sách tồn kho. Thế mới xuất hiện những biển hiệu: sách đồng giá 2.000VND, 5.000VND, 10.000VND, 20.000VND… Những người quen làm từ thiện, xây dựng những tủ sách cho vùng sâu vùng xa cũng rất thích đi chợ sách cũ. Giá vừa rẻ mà đầu sách lại phong phú.

Sau mỗi một hội chợ, facebook thường lại tấp nập người khoe sách. Sách quý, hiếm đương nhiên được khoe trước. Cũng có người chỉ thích mua những cuốn sách được chính tác giả đề tặng, hoặc các cuốn sách được ghi chú nhằng nhịt mực đỏ mực đen. Không ít người đã tìm được cố nhân từ chính những dấu hiệu để lại ấy.

Ngoài chợ sách

Giống như tất cả những hội chợ khác ở Việt Nam, hội chợ sách cũng bị rất nhiều thứ pha trộn, chen chân. Hàng quán, ăn uống, đồ lưu niệm, loa thùng quảng cáo, thậm chí bói bài… xuất hiện ngày một nhiều. Dân mua sách lại lấn cấn lo, những thứ “to mồm” ấy át mất sách cũ.

Một dịch giả kể: Ở Paris, có những hiệu sách cũ dọc hai bờ sông Seine hay còn gọi là những “bouquinistes” đã được UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới từ năm 1992. Ngày nay, để gia tăng lợi nhuận, các hiệu sách còn bán thêm những món đồ lưu niệm cho du khách. Tuy nhiên chính quyền thành phố ra quy định ít nhất ba phần tư số lượng hàng hoá phải là sách báo. Họ muốn những chiếc hộp xanh bên bờ sông Seine vẫn giữ được hình ảnh về sinh hoạt văn hoá - tinh thần lâu đời của Paris chứ không bị biến chất thành các cửa hàng lưu niệm thông thường.  

Hai người sáng lập chợ phiên sách cũ.

Trong một hội chợ sách cũ do nhà sách Đông Tây tổ chức, một nhà sưu tầm trẻ kể với tôi: có lẽ em sẽ bắt đầu mua bản thảo của các tác giả trẻ, giữ lại, chờ đến lúc lên giá như kiểu ông Bổng (93 Hàng Buồm mua bản thảo của Nguyễn Tuân hay “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp). Có bản thảo trong tay, mang ra hội chợ chào bán, hoặc là “khoe” thôi cũng oách. Một năm sau, hỏi tiến độ sưu tầm bản thảo đến đâu rồi, cậu ỉu xìu: khó chị ạ, vì bây giờ mọi người toàn viết bằng máy tính, chả còn ai viết tay.

Nhớ một lần nghe Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện với các nhà văn trẻ, đại ý: nếu bạn có ý định lập thân bằng ngòi bút, nhất định phải ra các chợ sách cũ. Ở đó, phơi bày đầy đủ mọi tàn nhẫn của thời gian. Rất nhiều những tác phẩm trứ danh của mọi thời đại được xếp thành từng chồng, giá bằng đúng mớ rau! Bao nhiêu “lời lời châu ngọc” mà ta tưởng là ghê gớm lắm, bao nhiêu tâm huyết, đau khổ, ký thác… đều có thể bị quăng quật, bẽ bàng, chờ người ta nâng lên đặt xuống. Nhìn thấy rồi, xác nhận rồi, rằng “mua vui cũng được một vài trống canh” mà vẫn đủ bình tĩnh, thì hãy tiếp tục cầm bút! 

Chợ phiên sách cũ sẽ mở định kỳ hàng tháng

Ý tưởng thành lập riêng một chợ phiên sách cũ là của chị Nguyễn Thị Thu Trang và anh Hà Huy Chiến (chủ thương hiệu Sách cũ Hà Nội). Trước đó các công ty sách Nhã Nam, Đông Tây, Alpha book cũng có tổ chức các hội sách cũ nhưng ở quy mô nhỏ.

Chợ phiên sách cũ tổ chức lần thứ nhất  (từ ngày 5-6/12/2015) đã bán được hơn 30 nghìn đầu sách, thu hút khoảng 15 ngàn lượt người tham gia.

Chị Thu Trang, đại diện Ban tổ chức cho biết: Nét độc đáo của chợ phiên này là 90% sản phẩm được bán là sách cũ, quy tụ đến 85% đơn vị kinh doanh sách cũ của miền Bắc tham gia như: Sách cũ Chiến, Sách cũ Hà Nội, Sách cũ Hà Thành, Sách cũ Phúc Nhàn, Sách cũ Thiệu Hải, Sách cũ Vì dân, Sách cũ Phúc Hải, Sách truyện Vỉa hè, sách cũ Bạch Mai, sách Ái Xuân… Ngoài ra, còn có khu vực riêng dành cho các công ty sách như Đông A books, Phương Đông books, NXB Văn học, Đông Tây... để tăng thêm sự lựa chọn cho độc giả.

Ban tổ chức mong muốn xây dựng chợ phiên thành một điểm văn hóa của Hà Nội và mỗi một phiên chợ sẽ có những chương trình đặc biệt thu hút độc giả. Ví dụ: phục dựng hình ảnh quán trà của Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tổ chức hát quan họ, hát xẩm, kể Truyện Kiều, vẽ Henna, bói bài Tarrot, ký họa chân dung...