Chờ câu trả lời

TP - Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất, ngày 20-4, trong lúc giá thế giới đang giảm (chứ không phải là “có xu hướng giảm” như lời một số quan chức Bộ Công Thương).

> Nóng chuyện giao thông

Và người tiêu dùng thêm một lần nữa chưng hửng khi ngày 2-5, phát biểu trước báo giới, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã nói thẳng: Không thể cứ thấy giá thế giới giảm mà giảm ngay được.

Trong khi chu kỳ một đợt tăng giảm của thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây thường là 7-10 ngày, tức là cứ sau một tuần, giá xăng dầu rất có thể lại vào một biên độ giá mới. Nói như thế cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng mất đi cơ hội được sử dụng xăng dầu giá hạ.

Nguyên nhân không thể giảm giá xăng, như lời đại diện của Bộ Công Thương không có gì mới: Vẫn là quy định dự trữ 30 ngày lưu thông cùng cách tính giá cơ sở dựa trên bình quân 30 ngày ấy.

Nếu tính từ thời điểm giữa năm 2011 đến nay, người tiêu dùng Việt Nam ít nhất mất ba cơ hội được dùng xăng dầu giảm giá (các thời điểm tháng 6, tháng 8 năm 2011 và những ngày giữa tháng 4 vừa qua), trong khi ấy kể từ tháng 10-2011 đến nay, giá xăng tăng liên tục và với những mức tăng “khủng”, trong khi chưa bao giờ có những mức giảm “khủng” tương tự được đưa ra.

Nói cho công bằng, cũng có thời điểm giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá một số quốc gia lân cận nhưng nhanh chóng được “điều chỉnh” (tăng giá) cho “bằng anh bằng em” với lý do khó có thể được người dân chấp nhận: Để chống xăng dầu chảy lậu qua biên giới. Bởi việc chống buôn lậu là việc của Nhà nước, không thể lấy túi tiền người dân khỏa lấp được.

Vấn đề liên quan đến Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu cũng đã được đề cập bấy lâu nay nhưng ngày 2-5 vừa qua, nghị định này vẫn được viện ra để giải thích lý do không thể giảm giá xăng dầu.

Bởi nói gì thì nói, dù “phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp”, dù quy định giá cơ sở của trung bình 30 ngày đang cản trở việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước (cả tăng lẫn giảm) thì thực tế đang cho thấy bao giờ đối tượng chịu thiệt cũng là người tiêu dùng.

Đã có những chuyên gia đề xuất thay đổi cách tính giá cơ sở, cụ thể là điều chỉnh giá theo tuần để phù hợp với thực tế của thị trường xăng dầu thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, chưa rõ vấn đề này được các cơ quan chức năng tiếp nhận và nghiên cứu tới đâu. Vấn đề cần được làm rõ là với cách tính mới, cách làm mới này, việc dự trữ xăng dầu trong 30 ngày có ảnh hưởng gì không.

Đã có một số ý kiến cho rằng không những không ảnh hưởng mà còn giúp các doanh nghiệp đầu mối linh hoạt hơn trong điều hành, chủ động hơn khi thị trường có biến động và người tiêu dùng cũng dễ dàng chấp nhận hơn, kể cả khi giá xăng dầu tăng cao. Mỗi sự minh bạch thôi, nhưng người tiêu dùng cứ mãi chờ, mãi đợi....

Theo Báo giấy