Chờ cả chục năm vẫn chưa được đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

TPO - Với các dự án thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi nào dù nguồn lực đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. Ngày 17/12, vấn đề gỡ khó về cơ chế, tìm cách thu hút đầu tư cho làng được đưa ra tại hội nghị do Ban quản lý (BQL) Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) được xác định quy hoạch với 7 khu chức năng, trong đó có 2 khu đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, 5 khu thu hút đầu tư ngoài Nhà nước. Địa điểm này đặt mục tiêu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, 10 năm qua, đơn vị này chưa thu hút được dự án đầu tư nào. Các dịch vụ ăn uống, lưu trú không có khiến khách du lịch không mấy mặn mà.

Ngày 17/12, vấn đề gỡ khó về cơ chế, tìm cách thu hút đầu tư cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đưa ra tại hội nghị do Ban quản lý (BQL) Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chỉ ra những thách thức trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 -2035. Trong đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một trong những nội hàm được Bộ VHTTDL ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

Chia sẻ về những khó khăn khiến địa điểm này chưa có sức hút, ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng BQL làng - cho biết vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của BQL Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Với các dự án thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa, nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi nào dù nguồn lực đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. "Một số đoàn khách đông có nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng tại đây nhưng chúng tôi cũng không thể bố trí được vì không có dịch vụ đảm bảo", ông Chung nói.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhưng cảnh quan chưa hấp dẫn.

Trong khi đó, cảnh quan tại đây chưa hấp dẫn, nước hồ Đồng Mô không ổn định vì phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp lân cận.

Một số nhà đầu tư cũng cho rằng dù đã chờ nhiều năm nhưng chưa thể có được một dự án đủ sức hút tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT công ty tập đoàn đóng tàu James Boat Nguyễn Kim Sơn khẳng định tiềm năng của làng lớn. Nếu có cơ chế chính sách tốt, có thể xây dựng bến du thuyền, khu thể thao dưới nước, làm nơi đào tạo vận động viên.

Ông Đặng Ngọc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Văn hóa Nghỉ dưỡng Đồng Mô - cho biết năm 2018, BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có quyết định về dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì Legend, được thực hiện trên tổng diện tích đầu tư khoảng 120 ha với tổng vốn đầu tư 4.832 tỷ đồng. Tuy nhiên do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý nên chưa thể triển khai dự án trên thực tế.

Dịch vụ, cảnh quan ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn sơ sài.

Các chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn sớm cơ chế cụ thể và giải pháp thu hút vốn vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sớm được ban hành. "BQL làng cần đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trong đó có thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư. Có như vậy mới thu hút các nhà đầu tư và BQL có điều kiện để làm việc đầy đủ với phía đầu tư. Cần xác định xem BQL có thẩm quyền đến đâu, trình tự giải quyết các thủ tục như thế nào", ông Đặng Ngọc Khánh nói.

Tại hội nghị, đại diện BQL làng cho biết vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Những quy định mới được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền và cơ chế để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành điểm du lịch hút khách.