Chờ Bộ Công Thương

TP - Hôm nay, 2/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo liên quan Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI). Đây là sự kiện được mong chờ từ lâu bởi các bên tham gia cuộc vận động thúc đẩy VN cam kết tham gia mạng lưới toàn cầu EITI này. Vì sao vậy?

> Minh bạch khoáng sản

Khai khoáng thiếu kiểm soát hiệu quả không chỉ tàn phá môi trường, gây tổn thất tài nguyên, mà còn dung dưỡng tham nhũng, gây bất ổn xã hội. Thiếu minh bạch quản lý nguồn thu và chi tiêu từ tài nguyên khai thác làm gia tăng bất công giữa các nhóm hưởng lợi, trầm trọng thêm nạn hối lộ và nhận hối lộ.

Phát triển tràn lan các hoạt động khai thác càng khiến khó kiểm soát các hoạt động khai khoáng. Suốt gần 10 năm, từ 1996-2008, các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ chỉ cấp 928 giấy phép khai khoáng. Vậy mà chỉ bốn năm, từ 2005 đến 2008, khi Luật Khoáng sản 2005 phân cấp việc cấp giấy phép khoáng sản cho địa phương, số giấy phép được cấp lên đến 3.495.

Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viên Tư vấn Phát triển (CODE), ngành khai khoáng mấy năm qua đóng góp 10-11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu khoáng sản đạt trên 9,6 tỷ USD. Đóng góp nhiều nhất vẫn là dầu thô với 8.228 triệu USD và than đá với 1.238 triệu USD.

Hỏi: Khoáng sản sau khi khai thác được mua bán ra sao? Tiền bán khoáng sản được chi tiêu, sử dụng thế nào? Số giấy phép được cấp tăng vọt có phải chứng tỏ năng lực quản lý đã được củng cố hay làm bộc lộ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quá trình cấp phép?

Hầu như không mấy ai biết, trừ một nhóm nhỏ được gọi là “những người có trách nhiệm”. Đã không biết, ắt không thể trả lời các câu hỏi này. Khi số đông không biết, không trả lời được, ắt tồn tại một vùng tối mà ở đó ánh sáng pháp luật khó có thể rọi tới.

Thực hiện EITI gần như đồng nghĩa chúng ta sẽ tìm được đáp án để trả lời các câu hỏi nhạy cảm trên. Năm 2010, Indonesia đã tham gia sáng kiến này. Tiếp đó là Philippines và Myanmar. Ở ta, cùng năm 2010, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu EITI. Nhưng tốc độ nghiên cứu bị nhiều người cho là quá chậm.

Đóng góp của ngành khoáng sản được dự báo sẽ tăng lên nhiều hơn nếu việc quản lý khai thác khoáng sản được thực hiện một cách khoa học và minh bạch hơn. Hy vọng sau hội thảo hôm nay, Bộ Công Thương sẽ sớm trả lời Thủ tướng về việc VN có thực sự muốn tham gia EITI hay không và, nếu có thì bao giờ.

Theo Báo giấy