Chính phủ không chủ trương ban hành chính sách gây hại cho dân

TP - Thực hiện ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Văn bản nêu rõ, Chính phủ không bao giờ chủ trương ban hành chính sách gây thiệt hại cho dân, gây bất an toàn xã hội.
Đảng, Nhà nước cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng công tác cán bộ

> Cơ hội đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại ĐH Đoàn toàn quốc
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dồn sức, dồn lực lượng để bảo toàn lãnh thổ

Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh gửi tới Thủ tướng Chính phủ phiếu chất vấn với nội dung: “Cha ông ta xưa có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”, “Trị nước càng thịnh vượng lòng càng phải thận trọng, càng phải lo cho dân, chăm chỉ chính sự hàng ngày nơm nớp lo lắng”.

Trước lúc ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Đề nghị Thủ tướng cho biết: Trong bối cảnh đất nước đang quá nhiều khó khăn, người nghèo, người thu nhập thấp đều nơm nớp lo lắng các loại giá, phí tăng, các kiểu hành dân của những cán bộ, công chức các cấp không là hiền tài, lại nơm nớp lo lắng về các quy định của Chính phủ và các ngành vừa quan liêu, vừa gây thiệt hại cho dân và bất an toàn xã hội (như: chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng SJC; phạt tiền đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện; ghi tên cha mẹ lên chứng minh thư nhân dân; dự kiến dùng ngân sách ít ỏi của dân để trả nợ xấu thay cho các Ngân hàng thương mại...), Thủ tướng nghĩ gì về trách nhiệm quản lý, điều hành của mình? Để khỏi phải hối tiếc thời kỳ đương chức có cơ hội được lo cho dân, thời gian tới, Thủ tướng cần thay đổi phương pháp điều hành như thế nào để những lời nhận lỗi của Thủ tướng trước Quốc hội chuyển thành hành động?”.

Quyết loại khỏi bộ máy cán bộ thoái hóa, biến chất

Theo văn bản trả lời, Văn phòng Chính phủ cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức thời gian vừa qua tuy còn những bất cập nhưng có thể nói cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một bộ phận công chức không phải hiền tài, còn hạn chế về năng lực chuyên môn; một bộ phận thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu “hành dân”, thậm chí ngay trong bộ máy hành chính cũng “hành lẫn nhau”.

Đảng, Nhà nước cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, động viên phát huy người hiền tài và kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất, đồng thời rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức.

Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định: Các quy định của Chính phủ, các ngành cũng như các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ trình Quốc hội đều nhằm mục đích xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân và nâng cao vị thế đất nước.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, trong đó có quy định đăng tải công khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm bảo đảm tính khả thi và sát thực tiễn.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng còn một số trường hợp những quy định ban hành chưa sát thực tiễn, tính khả thi chưa cao, còn nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý.

Khâu tổ chức thực hiện cũng còn bất cập, có trường hợp không đúng; không ít trường hợp chưa tuyên truyền, vận động tốt để nhân dân hiểu, đồng thuận, tham gia thực hiện.

Một số chính sách mới tuy đúng và cần thiết đối với quản lý điều hành, mang lại lợi ích cho đất nước nhưng có thể ảnh hưởng đến một bộ phận trong xã hội.

Tuy nhiên Chính phủ không bao giờ chủ trương ban hành chính sách gây thiệt hại cho dân, gây bất an toàn xã hội. Chính phủ luôn hoan nghênh các ý kiến đóng góp và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến hợp lý để chỉ đạo khắc phục.

Không độc quyền doanh nghiệp

Về vấn đề vàng và nợ xấu, Chính phủ khẳng định chủ trương không độc quyền doanh nghiệp. Nhãn hiệu SJC là nhãn hiệu vàng của Nhà nước, người dân có vàng không cần vội chuyển sang nhãn hiệu SJC. Việc nghiên cứu thành lập công ty quản lý tài sản nhằm có thêm một công cụ xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.

Theo dự thảo đề án, hoạt động của công ty theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Nguồn vốn hoạt động thấp hơn nhiều so với số nợ xấu và trong đó ngân sách nhà nước chỉ tham gia một phần.

Nguồn vốn chủ yếu để xử lý nợ xấu là từ phát hành trái phiếu và các công cụ nợ khác. Hoạt động mua, bán nợ của công ty phải công khai, minh bạch. Giá trị tài sản và khoản vay mua, bán được định giá bởi tổ chức chuyên môn độc lập. Nhà nước không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho doanh nghiệp.

Đối với việc phạt tiền đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện, Văn phòng Chính phủ nhận định: Đây là sơ xuất của lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện.

Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện đúng quy định của nghị định.

Trong khi chưa có Thông tư thì yêu cầu không xử lý hành vi này. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và các bộ liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức phí và cải cách thủ tục chuyển quyền sở hữu theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho người dân.

Theo Báo giấy