'Chỉ thấy phạt nhà báo chứ chưa thấy phạt bên cung cấp thông tin'

"Từ trước đến nay chỉ thấy xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí đăng thông tin sai còn chưa thấy có vụ nào xử phạt hành vi cản trở cung cấp thông tin cho báo chí", ông Tuấn nói.
Nhà báo, Luật sư Đinh Anh Tuấn trong buổi hội thảo.

Sáng qua (10/11), Viện Pháp luật- Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm nghiên cứu, thảo luận Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT). Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu: PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu (Học viện Hành chính Quốc gia), ThS.NCS Trần Văn Duy (Viện Từ điển học Bách khoa Thư Việt Nam Thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)… Trong đó, bài thảo luận của Nhà báo, Luật sư Đinh Anh Tuấn được nhiều người quan tâm, thảo luận sôi nổi bởi đây là bài thảo luận được nhìn từ góc nhìn thực tế của báo chí.

Trong bài thảo luận, ông Đinh Anh Tuấn viết: Nhà báo khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, họ cần thực hiện quyền của họ theo quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn dưới luật như Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, hoặc Thông tư của Bộ Thông tin - Truyền thông về quy chế phỏng vấn báo chí... Còn  Luật Tiếp cận Thông tin quy định quyền của công dân nói chung được yêu cầu các cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin.

So sánh về 2 hình thức trên, hình thức cung cấp thông tin cho báo chí cũng phong phú hơn so với cung cấp thông tin cho công dân. Về cơ bản, công dân chỉ được cung cấp thông tin đã hoàn chỉnh, đã đủ điều kiện để công khai; còn báo chí được cung cấp cả những thông tin ban đầu, có thể bằng lời nói trực tiếp, được sử dụng các phương tiện ghi âm, ghi hình để tiếp nhận thông tin… Việc xử lý thông tin được cung cấp cũng khác nhau. Báo chí sử dụng thông tin được cung cấp để chuyển tải đến số đông công chúng; công dân thì sử dụng thông tin được cung cấp cho chính bản thân mình.

Tuy nhiên, cái khó của việc xây dựng  Luật Tiếp cận Thông tin là làm sao khi thi hành luật này, các cơ quan công quyền buộc phải thường xuyên thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin và không được từ chối nghĩa vụ cung cấp thông tin khi công dân yêu cầu. Theo Luật sư Đinh Anh Tuấn, để Luật Tiếp cận Thông tin khả thi chứ không nằm trên giấy, điều quan trọng nhất là luật này phải quy định đầy đủ các chế tài xử lý hành vi vi phạm của các cán bộ trong các cơ quan Nhà nước khi thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin, cung cấp thông tin. Muốn vậy, chỉ nêu trách nhiệm của các cán bộ làm đầu mối cung cấp thông tin là chưa đủ, mà phải nêu bật được trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin; khi xử lý hành vi vi phạm, trước hết phải xử lý trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, rồi mới đến trách nhiệm của người được giao làm đầu mối cung cấp thông tin.

Tiếp đến, phải định danh chính xác các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Cụ thể, Luật TCTT cần có các quy định để xử lý các hành vi sau đây của các cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước: Không công khai thông tin; Công khai thông tin không kịp thời; Công khai thông tin không đầy đủ; Công khai thông tin không chính xác; Từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân; Trì hoãn cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân; Cung cấp thông tin không đầy đủ khi có yêu cầu của công dân; Cung cấp thông tin gian dối khi có yêu cầu của công dân.

Với kinh nghiệm của một nhà báo chuyên nghiệp đã có 20 năm lăn lộn trong nghề, ông Đinh Anh Tuấn có nhận xét là nếu không quy định đầy đủ, chặt chẽ các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trên đây, chúng sẽ có điều kiện để “ẩn mình” và xuất hiện rất thường xuyên trong thực tế, và việc xử lý là rất khó.

Nhằm giám sát quy trình cung cấp thông tin, ông Đinh Anh Tuấn góp ý về công tác thanh kiểm tra để phát hiện hành vi vi phạm, thụ lý đơn tố cáo, xử phạt hành chính hành vi vi phạm… cần có cơ quan chuyên trách. Theo ôngTuấn, công tác này có thể giao cho Thanh tra của ngành Thông tin - Truyền thông (các cơ quan thanh tra của ngành Thông tin - Truyền thông hiện vẫn đang thực hiện nhiệm vụ xử lý các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí).

Toàn bộ hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhà báo, cơ quan báo chí chỉ được quy định vẻn vẹn ở khoản 1 Điều 9 Nghị định 159; nội dung toàn văn quy định này như sau: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; b) Không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; c) Thực hiện không đúng các quy định về đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tác phm báo chí”.

Với quy định quá ngắn gọn như trên đây, thật khó để hiểu rõ thế nào là “cản trở việc cung cấp thông tin” hoặc “không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định”. Trong một hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của  thanh tra ngành Thông tin - Truyền thông. Tại hội thảo, có một luật sư nhận xét: Luật sư này chỉ mới thấy thanh tra Thông tin - Truyền thông xử phạt hành vi vi phạm của nhà báo, cơ quan báo chí, cứ viết sai đăng sai phải đính chính là phạt; còn chưa thấy có vụ việc nào thanh tra Thông tin - Truyền thông xử phạt hành vi cản trở cung cấp thông tin cho báo chí.

Từ bài học thực thi Luật Báo chí trên đây, ông Đinh Anh Tuấn đề nghị Luật Tiếp cận Thông tin phải định danh rõ ràng các hành vi vi phạm như đã nêu ở phần trước, và phải có quy định cụ thể về việc xử phạt từng hành vi vi phạm, theo Luật xử lý hành vi vi phạm hành chính. Chẳng hạn, hành vi “công khai thông tin không chính xác” bị phạt bao nhiêu tiền, biện pháp khắc phục hậu quả là phải kịp thời công khai thông tin chính xác ra sao. Những quy định này có thể được nêu tại một văn bản dưới luật, ví dụ như nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tiếp cận Thông tin.

Kết thúc phần thảo luận, đến phần tham luận, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm, đồng tình với ý kiến của ông Đinh Anh Tuấn. Bởi, theo các đại biểu, đây là những ý kiến thực tế được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế làm báo và những khó khăn nghề báo đang gặp phải của chính tác giả. 

Theo Theo Infonet