Tôi thì tình cờ lưu được những hình ảnh khó quên. Đó là cảnh anh ngồi trên chiếc xe lăn, chị lắng nghe từng phát âm không rõ lời, những ký hiệu mấy đầu ngón tay, hay theo ánh mắt của anh để lấy từ giá sách xuống những cuốn anh cần, mở đúng trang anh muốn đọc. Để ghi lại thành những tác phẩm, những cuốn sách nối dài cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường. Còn chị - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi ấy chưa bước qua thời xuân sắc, thì “Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/Giữa tháng ngày trĩu nặng/Em đứng thẳng người/Cho anh tựa vào em” (Cho anh tựa vào em).
Nhớ cái đêm 2/9/1995 trên đỉnh Kim Phụng chúng tôi lặng phắc trong bóng đêm nhìn xuống hồng kỳ phần phật nơi kỳ đài Ngọ Môn, đúng 50 năm ngày Độc lập. Giờ đây, trong nhóm 4 người ngồi trên đỉnh núi đêm ấy, thì Mai Khắc Ứng, Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa rồi, cả Ngô Minh, người tổ chức cuộc đi (nhưng giờ chót lại không đi được) cũng đã không còn nữa, chỉ còn anh và tôi. Tôi nhớ hương rượu Quảng Bình trong veo thơm nồng chị chuẩn bị sẵn cho anh em chúng tôi lần ấy. Giờ thì chị cũng vừa đi xa rồi… Tôi nhớ căn phòng nhỏ tầng hai phố Nguyễn Trường Tộ ở Huế nhìn ra hàng long não xanh rì, cũng chính là căn nhà cũ của Trịnh Công Sơn, tôi đến thăm anh chị, chứng kiến anh đang ngồi bệt soạn đống bản thảo để in tập Nhàn đàm đầu tiên, trong một tâm trạng rất buồn vừa xảy ra vào thời điểm ấy. Và cũng mấy ly rượu trong vắt buổi trưa, đượm vào ánh mắt hiền hậu của chị…
Nhưng rồi không lâu sau, World Cup France mùa hè năm 1998 ấy, đang ở Đà Nẵng thì anh Tường bị đột quỵ. Khi chúng tôi chạy tới thì anh đã được đưa vào viện, hôn mê. Tác giả của “Bản di chúc của cỏ lau” cuối cùng đã chiến thắng tử thần, nhưng từ đó gắn với chiếc xe lăn, nói năng khó nhọc…
Chợt nhận ra, cuộc đời chị cắt thành hai nửa, đều tròn trặn mỗi nửa là 25 năm. Năm 1973 lần đầu gặp và đến với anh Tường ở Đồng Hới khi chị 24 tuổi, anh đã 36. 25 năm sau, năm 1998, anh bị bệnh, và tính đến hôm qua khi chị ra đi cũng lại tròn 25 năm chị bên anh cộng thêm chiếc xe lăn ở giữa.
Nhưng một nửa trong 25 năm cuối đời ấy chị chìm vào quên lãng bởi căn bệnh Alzheimer dẫn đến mất dần trí nhớ.
Còn tôi, thì không thể nào quên. Đó là đầu năm lớp 12, trong đợt tập huấn thi quốc gia môn Văn, một lần nhận cái đề cảm nghĩ về bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi bèn lập tức tự chuyển biến cảm nghĩ thành cảm xúc. Để trên lớp ngồi viết liền một mạch bài thơ dài hơn hai trang giấy thi. Nhớ hồi ấy bài thơ được chiếu cố cho điểm 6 hay 7 gì đó. Bản gốc bài thi/thơ làm xong nộp lên và tất nhiên bị thu lại, giờ không còn lưu. Giờ tôi chỉ còn trang sổ tay từ năm 1986 chép lại nguyên văn bài thơ. Bài thơ sau đó được tôi rút ngắn còn một nửa, gửi đăng đâu đó, năm 1998 được chọn vào tuyển tập của Thanh niên xung phong. Và rồi 2 câu thơ cuối “Đường làng tháng Giêng dài ra hút tắp/Em không về vắng một cuộc đưa dâu” của tôi cộng hưởng cảm xúc từ thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lại ngân vang đến bây giờ, đặc biệt với những cựu TNXP một thời lửa đạn…
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà là tác giả của 15 tập thơ, Giải Nhất thơ báo Văn Nghệ năm 1971 với bài thơ “Khoảng trời, hố bom”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007,… Sau thời gian lâm bệnh, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời sáng ngày 6/7/2023 tại nhà riêng (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nổi bật bởi sự trong vắt, của một tâm hồn trong sáng nhiều lúc đến ngơ ngác, phần nào khác với chất lý trí sắc sảo trong thơ Xuân Quỳnh. Mặc dù sinh ra nơi vùng đất lửa Quảng Bình mang vác số phận cay đắng với những “vết thương không thành sẹo” từ tuổi thơ, và nặng gánh cho đến tận cuối cuộc đời, nhưng tâm hồn chị lại chứa “đầy hoa cúc dại”. “Ta thành trái mà hồn còn như lá/Cứ xanh hoài xanh chồi biếc thuở non tơ” (Ngoảnh lại). “Sữa mẹ trắng trong/Con ơi hãy uống/Rồi mai khôn lớn/Con ơi hãy nghĩ/Những điều trắng trong”. Bài thơ “Trắng trong” chỉ vỏn vẹn có 60 chữ, năm 1980 được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc trọn vẹn không bỏ chữ nào thành “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”, giờ mỗi lần nghe đều nao nao xúc động.
Ngay cả khi “nhìn xuống hố bom đã giết em/Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ”, Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn thấy như “Thịt da em mềm mại, trắng trong/Đã hóa thành những làn mây trắng” (Khoảng trời, hố bom). Đây hoàn toàn không phải “thi vị hóa” thương đau, mà ngược lại, nỗi đau được nhân lên bội lần, chính bằng thi ảnh trong sáng đầy trực cảm, điều khác biệt với hầu hết các nhà thơ cùng thời khác.
Nếu để ý, sẽ thấy những bài thơ hay nhất của Lâm Thị Mỹ Dạ đều có rất nhiều tiếng “em”. Ngay từ tựa đề “Anh đừng khen em”, “Hái tuổi em đầy tay”, “Anh đã nhìn thấy em”, “Cho anh tựa vào em”, “Em sợ”,… Đến những câu thơ ám ảnh “Đã nhìn thấy em/Tròn đầy như trăng/Xanh mềm như cỏ/Dịu hiền như sông/Hồn nhiên như gió” (Anh đã nhìn thấy em). “Cây em ve vuốt/Đất anh thẳm sâu/Lúa em cúi đầu/Nhưng sao vẫn hỏi/Day dứt trong lòng/Anh có tốt không?” (Anh có tốt không). “Tình yêu khắt khe thế đấy/Anh ơi đừng khen em” (Anh đừng khen em). “Mẹ cho anh trái tim em/Trái tim yêu, trái ấm mềm anh ơi/Trái tim sinh nở giữa đời/Những con ta lại hát lời mẹ ru” (Trái tim sinh nở),…
Trong thiên bút ký “Gò Nổi” từ đầu những năm 1980, Hoàng Phủ Ngọc Tường cúi nhìn con chim bói cá đậu trên cọc nhọn bên dòng sông Thu đã cảm thán câu của một triết gia, rằng “loài người - con vật chóng quên kia ơi…”. Để nhắc nhớ con người, hãy không được đánh mất ký ức, không được lãng quên bao điều tốt đẹp nơi đời sống này.
Chị Dạ. Chị đã không lãng quên điều gì hết, cho đến phút giây cuối đời mình. “Khi nào em còn thở/Ngày sinh còn ra đi/Đến tận cùng ngày chết/Như một khoảng lạ kỳ” (Hái tuổi em đầy tay). Ừ, tình yêu và thi ca lạ lắm. Như những câu thơ của anh Tường từ bao nhiêu năm trước “Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ/Bềnh bồng mà vẫn theo nhau/Anh với em, ừ thì cũng lạ/Bềnh bồng cho tới mai sau” (Bồng bềnh cho tới mai sau).