Ngày 7/12, Tiền Phong có bài “Sẽ lập danh sách công an, nhà báo “can thiệp” xin - cho vi phạm giao thông”, nêu ý kiến của đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội. Trao đổi với PV hôm qua (16/12), đại tá Thắng cho biết, sau 1 tuần thực hiện chỉ đạo, các đội CSGT báo cáo số trường hợp xin bỏ qua lỗi vi phạm giao thông hoặc can thiệp qua điện thoại đã giảm hẳn. Có trường hợp can thiệp nhưng khi bị CSGT nhắc nhở sẽ ghi lại tên tuổi, đơn vị công tác thì cũng dừng.
Ông Thắng cho biết thêm, tuần qua CSGT Hà Nội đã xử lý 13.660 trường hợp vi phạm Luật giao thông, tạm giữ 273 phương tiện, tước giấy phép lái xe 120 trường hợp. Con số này cho thấy, việc tuyên truyền cấm can thiệp xin - cho lỗi vi phạm giao thông đã có tác dụng tích cực.
Cũng theo ông Thắng, với các trường hợp can thiệp xử lý lỗi vi phạm giao thông, trước tiên cán bộ CSGT làm nhiệm vụ sẽ nhắc nhở. “Khi lực lượng CSGT nhắc nhở không được can thiệp nhưng vẫn cố tình hoặc có thái độ, hành vi dọa dẫm sẽ bị lập danh sách, ghi lại số điện thoại, truy tìm đơn vị, cơ quan công tác” – đại tá Thắng nói.
Không chỉ yêu cầu ghi tên tuổi, đơn vị công tác của những người “can thiệp” xử lý vi phạm giao thông, đại tá Đào Vịnh Thắng còn cho biết CSGT Hà Nội sẽ mạnh tay với những phương tiện vi phạm dán lô gô, biển hiệu sai quy định.
Theo đó, đối với cán bộ, chiến sỹ trong ngành công an, nếu treo lô gô, biển hiệu không đúng quy định, CSGT sẽ đề nghị đơn vị của người vi phạm làm rõ. Đối với các đơn vị khác sẽ chụp ảnh lại, sau đó gửi công văn đề nghị cơ quan, tổ chức liên quan giải thích về việc cấp lô gô, biển hiệu. Trường hợp nào tự in hoặc làm giả lô gô sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra làm rõ.