Một tờ châu bản triều Nguyễn đề cập chủ quyền Hoàng Sa
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, với lịch sử hơn 700 năm (từ năm 1306), bắt đầu từ xứ Thuận Hóa đến kinh đô Phú Xuân, cũng như trải qua các triều đại Tây Sơn, nhà Nguyễn, cho tới hiện nay, văn hóa Huế để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với văn hóa dân tộc. Do ảnh hưởng chiến tranh, một lượng châu bản không nhỏ bị mất mát, hủy hoại. Tuy nhiên, những gì còn được gìn giữ đến hôm nay là khối tư liệu văn kiện quý giá, hiếm hoi của một vương triều phong kiến tại Việt Nam.
Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cũng khẳng định, châu bản triều Nguyễn góp phần làm chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua nghiên cứu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trong châu bản, PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh: Những châu bản được các vị vua triều Nguyễn phê duyệt không chỉ có hiệu lực về mặt hành chính trong cả nước, mà còn mang tính pháp lý quốc tế, giá trị của châu bản được ghi nhận tuyệt đối. Với góc nhìn từ Huế về bảo tồn và phát huy giá trị châu bản triều Nguyễn, TS Phan Thanh Hải, cho rằng: Châu bản đề cập khá nhiều về xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả sinh hoạt trong cung điện. Nếu khai thác được mảng tư liệu này, đây là lời giải quan trọng cho các nhà quản lý, bảo tồn văn hóa ở Huế. "Cố đô Huế là nơi gắn liền hình thành châu bản, thì cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của loại tư liệu đặc biệt này", ông Hải cho biết.
Kể từ năm 1991, châu bản triều Nguyễn được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Huề, do những biến cố lịch sử, châu bản triều Nguyễn được di chuyển nhiều lần, qua nhiều nơi, nên hầu hết bị hư hỏng khá nặng. Do đó, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang triển khai xây dựng đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu châu bản triều Nguyễn" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015 đến 2025.