> Một ý kiến chất vấn dành cho Thủ tướng
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TPHCM:
Không cần thiết có một thương hiệu vàng quốc gia
Tôi thấy chưa rõ lộ trình, giải pháp xử lý nợ xấu và thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
NHNN nói giá trong nước và thế giới chênh lệch nhưng không có đầu cơ mạnh, không ảnh hưởng tỷ giá nên không nhất thiết phải bình ổn. Tôi cho đó chỉ là nhất thời. Điểm mấu chốt là NHNN không cho nhập vàng thì làm sao tỷ giá ảnh hưởng. Chúng ta đừng lấy cái nhất thời để giải quyết lâu dài.
Quản lý thị trường vàng phải có lộ trình, đừng từ thái cực này sang thái cực kia. Điều này có thể gây khó khăn cho người dân và tạo độc quyền cho một số đơn vị. Tôi có quan điểm khác với NHNN về quản lý vàng miếng. NHNN chỉ nên quản lý chất lượng vàng như lâu nay đã làm chứ không nhất thiết phải quản lý thương hiệu. Không cần thiết có một thương hiệu vàng quốc gia. Việt Nam đã quản lý chất lượng vàng và đang ổn thì không nên bắt chước một số nước. Tôi muốn làm rõ những vấn đề này khi chất vấn.
Về tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc mới chỉ nói nguyên tắc, còn cái tôi quan tâm là hành động. Cần công khai các NH hạng A, B, C. Hạng này được bơm thanh khoản tiêu chuẩn gì, hạng kia tái cấu trúc theo tiêu chuẩn gì?
Điều quan trọng nữa là phải tạo niềm tin bằng hành động cụ thể. NHNN nói giảm lãi suất nhưng DN vẫn vay không nổi, vay vẫn phải tiêu cực phí. Giữa tiếng nói của NHNN và phản ánh của DN không sát nhau. Do vậy, cần hành động để tạo được niềm tin. Có niềm tin thì thị trường mới khởi động trở lại. Tín dụng huy động tăng hơn 10% nhưng tín dụng cho vay chỉ tăng 2%, vậy tiền đi đâu, hay chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, không ra được sản xuất. Trong hơn 2% tăng trưởng tín dụng thì bao nhiêu là cho vay mới, bao nhiêu chỉ là đảo nợ.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai):
Cần chấn chỉnh việc đấu thầu thuốc
Tôi đã gửi câu hỏi chất vấn Thống đốc NHNN liên quan đến việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ. NHNN chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện cơ chế bảo lãnh vay cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Bộ Y tế, sau khi sửa đổi thông tư về đấu thầu giá thuốc trong bệnh viện công, thì giá thuốc không có chuyển biến cụ thể. Các bệnh viện đấu thầu giá thuốc khác nhau, chênh lệch có nơi từ 1- 1,5 lần. Đây là điều cần chấn chỉnh. Tôi cũng dự kiến sẽ chất vấn dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng:
Quản lý tập đoàn, “vàng” lớn nhưng chọn không đúng “mặt” để gửi
Chúng ta cứ nói tập đoàn (TĐ) trong khung pháp lý thí điểm nên các văn bản không đầy đủ. Đây là khiếm khuyết lớn trong quản trị vĩ mô nói chung, nhất là DN. Trách nhiệm của Chính phủ ra sao trong quản lý, chỉ đạo và có những quyết định hành chính liên quan đến các TĐ. Công tác tổ chức cán bộ của các TĐ cũng chưa được quan tâm, đáng ra phải “chọn mặt gửi vàng” nhưng đúng là vàng lớn nhưng nhiều khi chúng ta chọn không đúng mặt để gửi. Ngoài ra, cũng có trách nhiệm giám sát của QH, vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. QH cần đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan làm rõ vấn đề này.
Theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ, hiện tượng sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ. Việc này liên quan đến công tác quản lý tiền chất và dược phẩm. Tôi đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Y tế để làm rõ vấn đề này, trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao.
Phó chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ Lê Như Tiến:
Phân định rõ trách nhiệm về yếu kém của tập đoàn nhà nước
Thời gian qua nói nhiều về các tập đoàn, tổng công ty (TĐ,TCT) nhà nước. Trước đây đã xuất hiện Vinashin, Vinalines rồi, đã có kết luận. Nay Thanh tra Chính phủ tiếp tục thanh tra phát hiện nhiều TĐ, TCT nhà nước khác như Dầu khí, Xăng dầu, Sông Đà, Xây dựng... thua lỗ, lãng phí, nợ đọng. Tôi rất muốn chất vấn hiệu quả hoạt động và hiện nay đã có tổng kết xem qua thanh tra có bao nhiêu đơn vị thất thoát lãng phí, nợ đọng, tham nhũng, đầu tư ra ngoài ngành, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng pháp luật?
Về trách nhiệm, trước mắt tôi đề nghị Chính phủ báo cáo, trên cơ sở đó sẽ phân định trách nhiệm thuộc về ai. Chính phủ phải trả lời về việc đó, làm rõ trong báo cáo của chính phủ, trách nhiệm của các bộ ngành, sau đó mới xem xét đến trách nhiệm của Chính phủ.
Theo tôi, lần này QH cũng nên ra một nghị quyết về chất vấn, nêu rõ những vấn đề đại biểu nêu ra, những vấn đề được thành viên chính phủ trả lời và những lời hứa khắc phục ra sao. QH nên có một nghị quyết về việc này, cùng với nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm sắp được thông qua để tạo nên các giải pháp tốt hơn sau chất vấn, rõ trách nhiệm không chỉ chính trị mà cả pháp lý.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội):
Quan tâm nhiều đời sống dân sinh
Tôi quan tâm rất nhiều vấn đề đời sống, dân sinh, và tôi sẽ bấm nút chất vấn các Bộ trưởng. Tại sao người dân Việt Nam cứ phải mua thuốc chữa bệnh, sữa đắt gấp 2-3 lần thế giới, trong khi dân đang rất nghèo. Rõ ràng có chuyện ở khâu phân phối sản phẩm không tốt.
Đời sống khó khăn như vậy, nhưng giá xăng dầu, điện lại quá cao. Bây giờ, cái gì dân cũng thấy lo, không yên tâm: Ở nhà cũng lo, cho con đến trường cũng lo, ra đường cũng lo…Mà tiền thì không có, kích cầu nội địa không làm được. Những chuyện này phải được chất vấn để làm rõ trách nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
Hà Nhân- Nguyễn Tuấn ghi
Hôm nay (12-11), Quốc hội (QH) bắt đầu phiên chất vấn Thủ tướng và 4 thành viên Chính phủ.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo dự kiến, sáng nay Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của QH tại kỳ họp thứ 2, thứ 3.
Báo cáo sẽ làm rõ những vấn đề ĐBQH đã chất vấn từ hai kỳ họp trước được các thành viên Chính phủ, Chính phủ thực hiện ra sao trong chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tiếp đó, Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc NHNN sẽ lần lượt đăng đàn, trả lời chất vấn trực tiếp những vấn đề ĐB quan tâm.
Cuối cùng, như thông lệ, Thủ tướng sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu cùng cử tri quan tâm và trả lời chất vấn trực tiếp của các vị ĐBQH.