Trong số đó Trần Đức Trí Quang, đang làm việc tại Nhật Bản, là một ví dụ. Quang chia sẻ rằng muốn thành công, trước hết phải có sự đam mê. Hồi nhỏ, Quang say mê game online (trò chơi trực tuyến), say mê truyện tranh Nhật Bản. Lúc học xong lớp 12, Quang mạo hiểm đi từ Ninh Thuận ra Hà Nội để dự thi và học tại một trường ĐH chuyên về công nghệ thông tin (ĐH FPT). Với Quang, lý do rất đơn giản là để được chơi game online cùng các bạn bè tại Hà Nội. Những ấn tượng về truyện tranh Nhật Bản vô tình làm Quang hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản.
Những năm học ĐH, sau khi chơi game online cho “thật đã” đến mức chán, Quang học thêm tiếng Nhật và học rất giỏi. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp ĐH FPT, Quang vào làm việc tại Fsoft và nhanh chóng được cử đi “onsite” (làm việc tại nước ngoài) ở Nhật Bản. Quang bảo: “Ngoài kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng mềm thì độ máu lửa phải là điều kiện đầu tiên để thanh niên thể hiện được phẩm chất của mình”.
Nguyễn Thái Phong, hiện là quản trị dự án (PM) tại Singapore, là một thanh niên còn rất trẻ. Con đường đi đến vị trí PM của Phong theo đúng tiến trình, từ tester (nhân viên kiểm tra) đến developer (lập trình viên), đến team leader (nhóm trưởng) và đến plan manager (quản trị dự án). Chỉ có điều con đường ấy rất nhanh nhờ Phong ngoài kiến thức chuyên môn, còn có đầy đủ các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, đặc biệt là độ “máu lửa”, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng xông vào những nơi khó khăn nhất.
Với những ưu điểm như thế, đặc biệt là khả năng tiếng Anh rất tốt, Phong được cử đi làm việc tại Singapore dài hạn. “Sang đến Singapore rồi mới thấy thanh niên mình còn thiếu nhiều thứ” - Phong chia sẻ. Ngay những điểm rất nhỏ như đi làm phải “sơvin” đóng thùng, đến đúng giờ, làm việc phần lớn qua email và điện thoại... Tất cả những điều ấy, theo Phong, thanh niên và giới trẻ VN đôi khi không được đào tạo kỹ hoặc không để ý. “Ở Singapore, những điều nhỏ nhặt ấy phải thực hiện một cách rất chuyên nghiệp” - Phong nói.
Có thể thấy rằng nếu Phong và Quang không thật sự đam mê, không thật sự có khả năng, nhất là không thành thạo ngoại ngữ và nắm vững những kỹ năng mềm, không có độ máu lửa, có lẽ giờ Phong và Quang cũng không thể trở thành “những công dân toàn cầu” như thế.
Một “công dân toàn cầu” khác là anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, giám đốc chiến lược của FPT, chia sẻ: “Tôi làm việc ở trên 20 quốc gia, và ở bất cứ đâu tôi cũng làm việc nhiều hơn so với những gì được giao”. Theo anh Thái Hòa, điểm yếu của thanh niên VN hiện nay là chỉ làm việc đủ so với đồng lương của mình. Doanh nghiệp trả lương tới đâu, các bạn trẻ làm việc tới đó, chưa ý thức được rằng: chính giá trị thặng dư mà mình mang lại cho doanh nghiệp mới là đòn bẩy thúc đẩy sự thành công của chính bản thân bạn trẻ. Anh Thái Hòa từng chia sẻ: “Nếu được trả 10 triệu đồng/tháng, đừng đóng khung bản thân mình trong đó, hãy tự chứng tỏ giá trị của mình hơn thế và chắc chắn mọi điều sẽ khác rất nhiều”.
Có thể nhận định một trong những yếu tố làm nên “Hình mẫu người thanh niên trong thời kỳ mới” phải kể đến: đam mê, sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, “máu lửa”, không ngừng vươn lên. Với tôi, đó là phẩm chất của thanh niên thời kỳ mới.
Theo Thanh Giang
Tuổi trẻ