Charlie Nguyễn: Hơi ngỡ ngàng vì 'Em chưa 18' trượt giải đạo diễn

TPO - Nhà sản xuất, đồng biên kịch Charlie Nguyễn chia sẻ với Tiền Phong rằng đặt hi vọng và niềm tin ở bộ phim “Em chưa 18” tại LHP Việt Nam lần thứ 20, tuy vậy không dám nghĩ trước tới chiến thắng vì sợ thất vọng.
"Em chưa 18" nhận Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 20

Trước đêm bế mạc, anh có tin “Em chưa 18” thắng Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 20?

Mình không dám nghĩ gì đâu, bởi nghĩ trước sợ lại thất vọng (cười). Khi phim thắng giải tôi vui lắm, bởi không những tôi mà cả ê kíp rất tâm huyết từ lúc thai nghén cho tới tận lúc ra rạp và sau này. Tôi cũng đặt nhiều sự hi vọng vào mấy diễn viên “tí hon” mới toanh do mình chọn.

Kaity Nguyễn thắng Bông sen vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất có nằm trong dự liệu của anh?

Theo cảm nhận của tôi, Kaity Nguyễn có xác suất thắng rất lớn. Bởi vì phim “Em chưa 18” không chỉ cho khán giả thấy một câu chuyện, mà họ cảm nhận được cảm xúc của nhân vật. Không phải diễn viên nào cũng làm được hiệu quả như Kaity. Cô ấy hợp vai, có khả năng thiên phú và sự thông minh, nhạy bén của một diễn viên nên truyền đạt được cảm xúc tới khán giả. Người xem thấy mình ở đâu đó trong nhân vật. Vì lẽ đó tôi nghĩ Kaity là ứng cử viên có nhiều tiềm năng.

Kaity Nguyễn lần đầu đóng vai chính nhưng chứng minh sự tự nhiên, hợp vai và chuyên nghiệp.
“Em chưa 18” rinh Bông sen vàng cho phim, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhưng lại “trượt” giải Đạo diễn xuất sắc, anh thấy thế nào?

Tôi cũng hơi ngỡ ngàng chút xíu. Thông thường ở các liên hoan phim, phim xuất sắc nhất gắn liền với đạo diễn xuất sắc nhất, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Lâu nay giới làm nghề vẫn cho rằng các liên hoan, giải thưởng dành cho phim nghệ thuật chứ không phải phim thị trường. Theo anh có nên phân định rạch ròi nghệ thuật hay thương mại?

Mỗi nhà làm phim chỉ làm phim theo phong cách của họ. Tôi nghĩ phân biệt nghệ thuật hay thương mại cũng không thật chính xác: Phim thương mại cũng có tính sáng tạo, nghệ thuật trong đó, chỉ là cách làm, cách kể và hướng tới đối tượng thế nào thôi.

Đội ngũ viết kịch bản ngay từ khi bắt tay vào viết nói về ý tưởng “Em chưa 18” hướng tới khán giả đang đi học, vừa rời xa mái trường. Chúng tôi kể câu chuyện, ước mơ có được không khí, thế giới tuổi học trò như thế qua nhân vật Linh Đan. Chúng tôi không nghĩ sẽ chọn phương án phim nghệ thuật hay thương mại, đơn giản chỉ kể câu chuyện cô bé 17 tuổi rơi vào hoàn cảnh và mối quan hệ đặc biệt.

Chúng tôi cố gắng kể chuyện một cách tốt nhất, mang lại cảm xúc cũng như tính giải trí cho khán giả. Làm gì thì làm cũng phải có tính giải trí. Nếu không ở thời đại này khán giả bị nhiều thứ công nghệ và phương tiện khác chi phối, người làm phim luôn phải giữ được sự quan tâm và cảm xúc của khán giả.

 Đạo diễn Lê Thanh Sơn (trái) và nhà sản xuất Charlie Nguyễn

Anh nghĩ điều gì thuyết phục ban giám khảo mà trong đó nhiều đạo diễn cây đa cây đề theo đuổi dòng phim cách mạng, nghệ thuật?

Tôi cũng không biết nói sao nữa, nhưng tôi nghĩ cuối cùng vẫn là cảm xúc. Có lẽ phim lay động, chạm tới trái tim của ban giám khảo. Người xem thấy mủi lòng, cảm động về tình cảm của các nhân vật với nhau, thấy đọng lại điều gì đó nhân văn khi rời khỏi rạp và có thể chia sẻ câu chuyện với người khác. Những điều này vượt qua khỏi định kiến dòng phim nào.

Anh có tiếc không khi “Em chưa 18” không được chọn đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển Oscar?

Tôi không tiếc. Tôi nghĩ rằng Oscar thường ưa thể loại phim bi, nếu chọn “Em chưa 18” sẽ thành sai thể loại và bị loại ngay ở vòng ngoài.

Cảm ơn và chúc mừng anh cùng đoàn làm phim!