Ai ai cũng khen ngợi ý chí, nghị lực của cậu sinh viên nghèo nhưng vẫn giữ được lòng tự trọng. Chị Thu Hoài nói: “Bạn trẻ này là con nhà có giáo dục, cư xử rất có văn hóa. Nghèo nhưng không hèn. Ra đường giờ nhìn thấy nhiều người ăn mặc sành điệu, tiền tiêu như nước nhưng nhân cách thì thấp hèn và ứng xử không có văn hóa”.
Anh Thành Nam nhắn nhủ tới chàng trai trẻ: “Hãy giữ nhân cách tốt đẹp ấy mãi mãi trong em. Sẽ có rất nhiều người thương yêu tin tưởng và tôn trọng em”.
Nhiều độc giả ước mơ “giá mà có nhiều thanh niên như chàng trai này thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn biết bao”.
Cô giáo Trần Thị Thúy đã bật khóc khi đọc bài báo và tự hứa sẽ kể lại câu chuyện này cho học trò nghe. Trong khi ông bố Nguyễn Quang Trung tâm sự rằng cũng có cậu con trai đang là sinh viên và chỉ ước con mình bằng một phần của chàng trai này. “Ba mẹ cháu thật hãnh diện vì có cháu”.
Đặc biệt, một nam thanh niên cũng kể câu chuyện của mình và cảm thấy xấu hổ khi đã không làm được như cậu sinh viên này. “Hiện tại chủ quán mình đang làm thuê đối xử tốt với mình như người nhà vậy, nhưng mỗi ngày mình vẫn ăn lời từ 5 đến 10 nghìn. Số tiền không phải là to nhưng mình biết mình đã bán đi danh dự, lòng tự trọng. Mình là người xấu phải không? Điều kiện sống của mình không khổ như bạn kia, nhưng nhân cách mình mất rồi. Không ai biết mình làm vậy nhưng đôi khi mình vẫn thấy tự xấu hổ với chính mình, dù mình ý thức được đó là sai. Mình cảm phục bạn nhiều lắm!”
Câu chuyện của chàng trai nghị lực khiến anh Vũ Hoàng nhớ đến câu chuyện của em bé Nhật Bản nhận phần của người khác nhường cho rồi lại trao lại cho bàn phân phát, tiếp tục xếp hàng. “Tôi thấy nước Nhật mạnh là đương nhiên. Khi sóng thần tàn phá mà không hỗn loạn, trộm cướp thì quả là một dân tộc vĩ đại. Nếu ở ta nhiều người có lòng tự trọng như em bé đánh giầy kia thì ta chẳng kém Nhật đâu. Nhưng chắc chắn em đánh giầy này sẽ khá hơn khi trưởng thành (ngoại trừ số phận)”.
Ngược lại, cũng có những lời khuyên cho rằng cậu sinh viên nên nhận lòng tốt của vị khách, chứ không nhất thiết phải nguyên tắc như vậy. “Người ta cho thì con cứ lấy rồi cảm ơn là làm vừa lòng người tốt , nếu tốt nữa thì con suy nghĩ trong đầu " sau này gặp vận may con làm nên sự nghiệp thì con sẽ tìm chú trả ơn” – anh Duy Kha góp ý.
Độc giả Trần Kiên cũng thật lòng khuyên: “Lòng tự trọng rất đáng quý nhưng với trường hợp khách hàng mời cháu ly cà phê thì cháu lên cảm ơn là được rồi! Cháu trả tiền như vậy nếu là chú thì lần sau chú sẽ không mời nữa vì như vậy vừa làm mất thời gian của cháu lại vừa khiến cháu mất tiền cho ly cafe trong khi đang phải dành tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình. Như vậy cũng là phụ lòng tốt của mọi người đó cháu à!”
Trong khi anh Hoàng Anh Phúc bảo vệ quan điểm mỗi người đều có một nguyên tắc sống riêng. “Làm đúng những nguyên tắc đó tôi tin chắc rằng bạn trẻ sẽ thành công trong cuộc sống!”
Anh Tuấn Hưng thì quan niệm cuộc đời có vay có trả, “hôm nay ta nợ người này, mai có ta cho người khác không cứ nhất thiết là người đã cho ta. Cuộc sống là một kiếp luân hồi, quan trọng nhất vẫn là cốt cách của con người”.
Tuy nhiên, cũng có những nỗi lo đằng sau sự cảm phục nhân cách của chàng trai, cũng như e ngại rằng liệu sau này bước vào đời những thanh niên trẻ đáng quý như cậu có giữ được nhân cách ấy không giữa một xã hội đầy lo toan, tính toán: “Ai mang lòng tự trọng bước vào đời này, người đó chuẩn bị đi hoang”.
Theo Vietnamnet