Thiếu quy định khó thu hồi
Những ngày này, Hà Nội và TPHCM tiếp tục nằm trong nhóm thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, mới đây Bộ TN&MT đã có văn bản để nghị Hà Nội và TPHCM có giải pháp thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), phương tiện giao thông cơ giới phát thải khí ô nhiễm chủ yếu là ô tô, xe máy. Cả nước có hơn 3,5 triệu ô tô, hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, con số này đang tiếp tục tăng. Việt Nam đã có quy định niên hạn sử dụng với ô tô tải (25 năm từ ngày sản xuất) và ô tô khách (20 năm). Khi xe hết niên hạn cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy đăng ký và loại bỏ. Với ô tô cá nhân (dưới 9 chỗ ngồi) và xe còn thời hạn lưu hành được kiểm định định kỳ, trong đó có tiêu chuẩn khí thải.
Riêng với xe máy, Cục Đăng kiểm cho hay, hiện pháp luật Việt Nam không quy định niên hạn sử dụng, cũng không yêu cầu kiểm tra định kỳ. Chỉ quy định xe máy mới bán ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3 từ ngày 1/1/2017. Năm 2010, Thủ tướng phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy, nhưng đề án chưa thể triển khai do thiếu cơ sở pháp lý. Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang xây dựng, Bộ GTVT đã đưa vào nội dung kiểm định khí thải bắt buộc định kỳ với xe máy đang lưu hành. Còn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định: Phương tiện giao thông, phát tán khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải. Tuy nhiên, luật này phải tới ngày 1/1/2022 mới có hiệu lực.
Cũng theo đại diện Cục Đăng kiểm, kiểm soát khí thải xe máy và tiến đến loại bỏ xe máy cũ nát là cần thiết. Tuy vậy, việc này liên quan quyền sở hữu tài sản của người dân nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi. Vì vậy, bên cạnh quy định về kiểm định khí thải bắt buộc với xe máy, Nhà nước cần có giải pháp, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất thu hồi xe cũ, người dân đổi xe mới. Theo kinh nghiệm một số quốc gia, xe máy không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và môi trường (khí thải) chủ phương tiện sẽ không được đưa vào lưu thông hoặc xe càng cũ phí bảo hiểm càng cao. Từ đó người dân sẽ cân nhắc về chi phí vận hành xe máy cũ với đầu tư phương tiện mới để tự bỏ xe cũ.
Quy định chặt về kiểm tra khí thải
Về kiểm soát khí thải xe máy, Bộ GTVT nhìn nhận, do luật hiện hành thiếu quy định, nên khí thải xe máy đã ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí và an toàn giao thông. Do đó, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã bổ sung quy định: Mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, ngoài vấn đề an toàn giao thông, xe máy cũ nát còn gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, không nên đặt vấn đề thu hồi xe máy cũ nát, vì khó thực hiện, chỉ cần quy định kiểm soát khí thải và kỹ thuật định kỳ như ô tô là được. Về phần xe máy là phương tiện của người nghèo, theo ông Thạch, một chính sách không thể đạt đa mục tiêu, nên cần lựa chọn mục tiêu nào quan trọng, nếu lựa chọn sức khoẻ người dân và môi trường thì phải kiểm soát, loại bỏ xe không đạt tiêu chuẩn. Nhà nước muốn người dân thực hiện nhanh cần bổ sung chính sách hỗ trợ; nhà sản xuất xe muốn bán được hàng có thể thực hiện thu xe cũ đổi xe mới, địa phương muốn nhanh đạt mục tiêu giảm ô nhiễm có thể hỗ trợ thêm cho người dân trên địa bàn đổi xe mới.
Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức cũng nhìn nhận, việc kiểm soát khí thải xe máy đã được đặt ra từ lâu (từ năm 2010), nhưng thiếu quy định, nên chưa triển khai được. Ông Đức cũng đồng tình không nên đặt vấn đề thu hồi, chỉ cần bổ sung quy định về kiểm tra khí thải và kỹ thuật, nếu xe đạt thì dù sử dụng bao nhiêu năm vẫn được dùng. “Hiện tại, nhiều nước kiểm soát xe máy kiểm tra định kỳ và quy định trách nhiệm thu hồi của nhà sản xuất, chúng ta cũng có thể làm được nếu đủ cơ sở pháp lý. Còn với người nghèo, Nhà nước và nhà sản xuất xe có thể có thêm chính sách hỗ trợ, như thu cũ đổi mới, mua xe trả góp, hỗ trợ lãi suất… Chúng ta cũng không thể mãi đánh đổi vấn đề an toàn giao thông và môi trường vì lý do này khác”, ông Đức nói.
223.000 : Đó là số ô tô hết niên hạn sử dụng trên cả nước được Cục Đăng kiểm thông báo. Trong đó, hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Trong năm 2020, toàn quốc có thêm gần 16.500 ô tô hết niên hạn sử dụng. Tuy vậy, tỷ lệ thu hồi biển số và đăng ký của ô tô hết niên hạn không nhiều. Điển hình như Hà Nội, đến năm 2020 có thêm hơn 1.600 ô tô hết hạn sử dụng, nhưng trong 2 năm 2018 và 2019, chỉ thu hồi biển số và đăng ký của 3 phương tiện.
50.000.000 : “Phương tiện giao thông cơ giới phát thải khí ô nhiễm chủ yếu là ô tô, xe máy”, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết. Cả nước hiện có hơn 3,5 triệu ô tô, hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, con số này đang tiếp tục tăng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, bài toán với Hà Nội hiện nay là phải kiểm kê chính xác được các nguồn thải từ các hoạt động trên.
Bên cạnh đó, phải tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát để đánh giá được chất lượng không khí theo giờ, theo ngày, theo tháng, theo mùa. Trên cơ sở đó đưa ra các ngưỡng, giới hạn cho phương tiện giao thông được phép lưu hành. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các quy chuẩn môi trường với phương tiện giao thông.